26/10/10

Kiến trúc – sáng tạo và hành nghề

Thiết kế dựng công trình từ công năng. Sáng tác dựng hình tượng cho công trình, đặt nó cận kề hoặc làm cho nó trở thành tác phẩm. Tác phẩm có cơ may trở thành nghệ thuật.

Ai đó nói: Con trai mà sản sinh viên ngọc là bởi nó mang bệnh. Ai đó ứng: Kiến trúc mà sản sinh viên ngọc là bởi nó khoẻ.

Văn chương có thể hưng thịnh khi xã hội suy đồi. Kiến trúc chỉ hưng thịnh khi xã hội khoẻ. Xã hội khoẻ mở đường cho sáng tác thăng hoa.

Thời nay, khác và hơn các thời xưa, kiến trúc có tất cả cho sáng tác và cho hành nghề. Giới kiến trúc sư, hễ tâm tưởng về nền kiến trúc Việt Nam đứng cả hai chân trong thời đại, ngần ngại gì mà không bắt tay dọn quang đường cho sáng tạo và cho hành nghề.

 

Sáng tác kiến trúc

Sáng tác kiến trúc tựa vào và vượt lên từ tay nghề và từ ý tưởng.

Tay nghề ám chỉ sự làm chủ vững vàng các phương tiện sáng tác và tác nghiệp, thông qua đào tạo: sự hấp thụ tri thức văn hoá nền tảng và tri thức nghề nghiệp; sự làm chủ tư duy sáng tạo kiến trúc chuyên biệt và kỹ năng tác nghiệp. Tính chuyên biệt của tư duy sáng tạo kiến trúc chính là ở sự chuyển hoá những ý tưởng thành sự sắp đặt không gian theo dòng chảy của quy trình sống, sự tạo tác hình tượng cho công trình như một sản phẩm tâm thức và thẩm mỹ. Thông qua lộ trình sáng tạo kiến trúc chuyên biệt, quy trình sống được vật thể hoá thành cơ thể, vô tri vô giác tác động đến người sử dụng nó và môi trường bao quanh nó. Bản chất sâu xa của kiến trúc chính là ở cái vế sau.

Kỹ năng tác nghiệp chính là khả năng phối hợp quy trình hình thể hoá ý tưởng: ý nghĩ – ngôn từ – bàn tay – con mắt. Ngôn từ đóng vai trò chuẩn xác hoá suy nghĩ và tạo sức biểu đạt cho đường nét, dẫn dắt bởi bàn tay và con mắt. Khi cái quy trình đặc trưng này vận hành trôi chảy, khi ngôn từ và bàn tay không bất lực giữa ý nghĩ và con mắt, là dòng chảy sáng tác không bị ngăn trở, là ý tưởng và phác thảo hoà thành một thể có sức thuyết phục. Tác phẩm kiến trúc đi ra từ đấy. Dạy nghề kiến trúc cũng theo cái chuỗi ấy: ý nghĩ – ngôn từ – bàn tay – con mắt.

Nói về sáng tạo kiến trúc, ngoài tay nghề, phải nói tới ý tưởng. Tay nghề là phương tiện chuyên chở, ý tưởng là nhiên liệu. Nhiên liệu mà có sức bật của lò xo, mà có sức bứt phá của viên đạn, mà có sức kết quện của keo sơn, thì tác phẩm sáng tạo kiến trúc sẽ thăng hoa. Cái gốc của mọi ý tưởng sáng tạo là tư tưởng: tư tưởng thời đại, tư tưởng xã hội và nhân văn, tư tưởng thẩm mỹ, tư tưởng khoa học và công nghệ. Mỗi tác phẩm kiến trúc, hễ nó là nó, phải chứa đựng và phản ánh những tư tưởng và xu hướng của thời đại, phải góp phần thúc đẩy tiến bộ xã hội. Từ nền tảng của tư tưởng, nảy sinh những ý tưởng sáng tạo kiến trúc. Đến lượt mình, ý tưởng sáng tạo kiến trúc làm nảy sinh những giải pháp cho tổ chức không gian mà công năng cần được triển khai, cho hình thái và hình tượng kiến trúc mà công năng có thể được tạo tác, khi nó hoá thành cơ thể kiến trúc.

Nền kiến trúc của chúng ta đang thiếu tư tưởng. Thiếu những tư tưởng có khả năng mở đường rộng và mở đường tắt, có khả năng tạo sự đột biến và góc nhọn cho phát triển. Sự thiếu vắng những tư tưởng lớn hạn chế nảy sinh những ý tưởng của kiến trúc sư – người sáng tác, từ đó công trình tầm thấp hoặc chấp nhận được ra đời nhiều, còn tác phẩm đích thực thì lại ít.

Sáng tác là sự tìm tòi trong cảm hứng chuyên biệt của mỗi kiến trúc sư. Tìm tòi dẫn tới cái khác, cái lạ, cái mới và cái riêng từ cái nền chung của những gì đã cũ hoặc đã không còn tiến bộ. Sáng tác trong tìm tòi ở mỗi kiến trúc sư – bản thể sáng tạo tựa như những dòng chảy. Có dòng chảy, chảy mà nước không dồi dào, hễ gặp phải chướng ngại vật, - dừng chững lại. Có dòng chảy, chảy xiết do nguồn lực thôi thúc, lại thu hút thêm những khe những mạch thành dòng sông. Dòng sông ấy tựa như dòng sáng tạo của một bản thể – kiến trúc sư tài năng, có năng lượng sản sinh, có “cái tôi”, đủ sức bứt phá và cả độ dang rộng của đôi cánh. Hễ con sông ấy mà rộng, lại gặp địa hình địa thế xuôi thuận, thì các con sông khác cũng tìm đường hoà vào, tạo thành dòng chảy cuồn cuộn những phù sa, giữa những lưu vực rộng lớn. Có thể ví những đại giang ấy với những xu hướng, những trường phái mà nền kiến trúc đương đại không thể thiếu.

Sáng tác dẫn tới sự nảy sinh tài năng và nhân tài. Chỉ tài năng mới có khả năng đưa kiến trúc trở thành nghệ thuật. Chỉ tài năng mới có khả năng đưa kiến trúc sư trở thành tác giả của những tác phẩm. Kiến trúc sư, tìm tòi không ngưng nghỉ, bộc lộ sức sáng tạo của mình, thành công trong dẫn dắt những ý tưởng của mình, đứng vững ở tư thế khẳng định mình. Kiến trúc sư tài năng đương nhiên phải gánh chịu sức nặng, ngày càng gia tăng, của 2 chữ “Tài” và “Tôi” trên đôi vai của mình, bởi cả 2 chữ ấy bao giờ cũng bị đặt trước sự thẩm xét và thách thức của người đời.

Chúng ta cần nhận ra kịp thời, mở rộng lòng bênh vực vô tư và can đảm những tài năng kiến trúc, những tìm tòi và những ý tưởng mới, đột phá và tiên phong. Cổ vũ và khơi rộng đường cho những khuynh hướng, xu hướng và trường phái, khi những trái quả hiếm hoi này của sáng tạo lấp ló ra. Ta xưa nay vẫn có thói quen dè bỉu cái khác lạ và dễ dãi với những cái quen mòn. Ta vẫn có thói quen tằn tiện lời khen với người sống, hào hiệp lời khen với người nằm xuống. Những thói quen ấy chặn ngăn dòng chảy sáng tạo, dồn những cái mới, cái đột phá và cái riêng vào cái phễu của sự hẹp hòi.

Sáng tạo sản sinh tài năng và mở đường cho tìm tòi. Cả hai cái ấy rất cần, cần hơn bao giờ hết, cho kiến trúc Việt Nam hôm nay thăng tiến.

 

Hành nghề kiến trúc

Sáng tác, họa sỹ từ cảm hứng; kiến trúc sư theo đặt hàng. Quan hệ cung và cầu trực tiếp. Giữa kiến trúc sư và khách hàng là sản phẩm. Sản phẩm không theo mẻ, không đại trà. Sản phẩm đơn chiếc. Hành nghề kiến trúc sư đặc trưng chính là ở chỗ quan hệ mặt đối mặt với khách hàng và sản phẩm đơn chiếc làm theo đơn đặt hàng. 

Khác tác phẩm hội họa, sản phẩm kiến trúc không đi ra trực tiếp từ bàn tay tác giả, mà có sự tham gia và can thiệp của khách hàng, của cộng sự thuộc nhiều chuyên ngành. Nó chỉ thực sự hiển hiện dưới bầu trời nhờ bàn tay người thợ, sự hỗ trợ của máy móc và từ những bài tính của thực tế. Khác hội họa, nơi sản phẩm sản sinh từ một cá thể sáng tạo, - khối não - trái tim - con mắt và bàn tay, - sản phẩm kiến trúc bị chi phối bởi luật, bởi những quy chế và quy phạm, bởi những ràng buộc liên quan liên đới từ đô thị và từ cộng đồng.

Trải qua ngần nấy tầng nấc và ngần nấy mối quan hệ, mà sản phẩm cuối cùng - công trình kiến trúc - còn bảo lưu những ý tưởng của kiến trúc sư khai sinh ra nó, có thể coi quá trình hành nghề chuyên biệt của anh đã trọn vẹn. Ở ta, kiến trúc sư đạt được điều ấy, quả là hiếm hoi.

Hễ ta muốn có công trình kiến trúc tốt, ta phải tạo ra môi trường thuận lợi cho kiến trúc sư hành nghề, trên cơ sở giải quyết thỏa đáng các mối quan hệ chi phối và phức tạp. Hễ ta mong tác phẩm kiến trúc ra đời, ta phải giảm thiểu tối đa khoảng cách giữa kiến trúc sư và khách hàng, đặt kiến trúc sư trực diện đơn đặt hàng.
Trong cộng đồng trí thức hành nghề, luật sư, bác sỹ và kiến trúc sư trực diện hơn cả trước khách hàng, nhận vào mình bổn phận và trách nhiệm trước khách hàng, tuân thủ những ràng buộc của luật, chấp hành đạo đức và bài bản hành nghề. Từ đó, cần có một công cụ pháp lý, xuyên suốt và thấu đáo, điều tiết những mối quan hệ dân sự và nghề nghiệp. Công cụ ấy chính là một đạo luật hành nghề kiến trúc sư, tương tự luật hành nghề luật sư và luật hành nghề bác sỹ (ở ta được mệnh danh một cách tránh né “luật khám chữa bệnh”) đã có hiệu lực.

Mọi lĩnh vực hoạt động kinh tế đã đứng cả hai chân trong nền kinh tế thị trường, song hành nghề kiến trúc vẫn bị chi phối bởi lực quán tính của thời bao cấp. Quản lý Nhà nước không còn hiệu lực trước thực tế hành nghề kiến trúc đã trở thành thị trường, hòa nhập vào dòng chảy của nền kinh tế tự do hóa và khi hầu hết kiến trúc sư hành nghề ngoài nhà nước. Cả một địa hạt hành nghề kiến trúc rộng lớn, với những quan hệ đa phương phức tạp và những hệ lụy phức tạp không kém, cho đến nay vẫn thiếu hẳn một công cụ pháp lý đóng vai trò điều tiết. Luật hành nghề kiến trúc sư cần phải ra đời là sự tất yếu. Nó sẽ xác định đạo đức, trách nhiệm xã hội và trách nhiệm trước khách hàng của kiến trúc sư, tạo ra nền tảng lành mạnh cho kinh doanh tư vấn kiến trúc, điều tiết các mối quan hệ, xác lập tổ chức hành nghề của kiên trúc sư tương thích với nền kinh tế thị trường. Đó là nghiệp đoàn của những người hành nghề kiến trúc, dưới tên gọi Đoàn Kiến trúc sư, tập hợp kiến trúc sư đăng ký hành nghề, quản lý họ bằng quy ước đạo đức và quan hệ hành nghề, bênh vực quyền lợi của họ, làm trọng tài trong quan hệ của họ với khách hàng. Cho đến nay ta chưa thực hiện đăng ký hành nghề kiến trúc sư, do đó có bao nhiêu kiến trúc sư hành nghề, ta không biết. Việc cấp chứng chỉ hành nghề do các Sở Xây dựng cấp, thường không sát thực lực người xin cấp chứng chỉ. Đặc biệt, việc quản lý hành nghề theo chứng chỉ, việc xử phạt theo chứng chỉ chưa thấy một tổ chức nào đảm nhiệm. Thiếu đạo luật hành nghề kiến trúc sư và nghiệp đoàn kiến trúc sư, chưa có thể nói đến tính chuyên nghiệp trong hành nghề và trong kinh doanh hành nghề, cũng chưa thể hình thành thực sự thị trường tư vấn kiến trúc. Kiến trúc sư chưa thể có những điều kiện để đáp ứng đầy đủ các đơn đặt hàng của xã hội.

Tổ chức hành nghề kiến trúc trong những điều kiện hiện nay dẫn tới tình trạng: Có rất ít doanh nghiệp chuyên về tư vấn thiết kế kiến trúc; quá nhiều doanh nghiệp kiến trúc nhỏ bé; các doanh nghiệp kiến trúc ít có thương hiệu và không gắn với tên tuổi kiến trúc sư có uy tín nghề nghiệp. Thu nhập thấp và bấp bênh không cho phép các công ty kiến trúc chuyên doanh về thiết kế. Vốn liếng ít ỏi và thị trường nhỏ lẻ hạn chế kiến trúc sư tập hợp thành những doanh nghiệp lớn và mạnh. Các doanh nghiệp ít có thương hiệu do bề dày hành nghề chưa đủ và do chưa đủ năng lực tranh giành những dự án lớn. Các kiến trúc sư thành danh chưa nhiều. Việc kiến trúc sư lấy tên mình tạo thương hiệu cho công ty tư vấn kiến trúc chưa dễ dàng được chấp nhận. Những đơn vị tư vấn kiến trúc, đảm nhiệm nhiều lĩnh vực kinh doanh, vừa nhỏ lẻ và  chưa thành danh, không được dẫn dắt bởi một thủ lĩnh trong nghề, không thể thúc đẩy hành nghề, không thể thúc đẩy kiến trúc đi thẳng và đi nhanh vào hiện đại.

Có hành nghề là có cạnh tranh. Có thị trường là có đào thải. Cạnh tranh và đào thải là quy luật của kinh tế thị trường, là những nhân tố tiên quyết phát triển. Hành nghề kiến trúc nằm gọn trong sự thách đố, đương nhiên và nghiệt ngã ấy. Sớm muộn rồi sẽ xuất hiện những văn phòng và những tập đoàn tư vấn kiến trúc lớn, các doanh nghiệp thiết kế nhỏ sẽ biến mất, y hệt các cửa hàng nhỏ trước các trung tâm thương mại lớn. Khách hàng, nhà nước và tư nhân, sẽ tìm đến và gửi niềm tin vào các kiến trúc sư giỏi, y hệt người ta tìm đến luật sư hoặc bác sỹ giỏi. Để sự cạnh tranh diễn ra lành mạnh, thị trường hành nghề phải thông thoáng, hợp với kinh tế thị trường.

Chúng ta nhận ra sự thua kém của kiến trúc sư và doanh nghiệp tư vấn kiến trúc quốc nội trong cuộc tranh sức tranh tài với các đồng nghiệp quốc tế. Sự yếu kém ấy phải tìm nguyên nhân ở điều kiện hành nghề hiện nay. Chỉ có thiết lập môi trường hành nghề tương thích nền kinh tế thị trường, chỉ có nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực kiến trúc, ta mới có thể có sự bình đẳng và hội nhập quốc tế.

Ban bố luật hành nghề kiến trúc sư, thành lập nghiệp đoàn kiến trúc sư, sắp xếp lại tổ chức hành nghề, lành mạnh hóa môi trường hành nghề, chuyên nghiệp hóa hành nghề và kinh doanh hành nghề sẽ là những đảm bảo cho nền kiến trúc vượt qua lạc hậu và bứt phá về hướng hiện đại hóa.

GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính

Xem thêm: http://ashui.com/mag/index.php/chuyenmuc/kientruc/67-kientruc/2509-kien-truc-sang-tao-va-hanh-nghe-bai-1.html

22/10/10

Thân phận biệt thự Hà Nội

Giữa các thể loại kiến trúc, nhà ở thân phận hơn cả. Thân phận bởi trú ngụ nơi đó những kiếp người. Giữa những thể loại nhà ở, biệt thự thân phận hơn cả. Thân phận bởi những biến đổi thời cuộc va đập vào, dữ dội và sâu xa hơn cả. Giữa những biệt thự Huế, Sài Gòn, Đà Lạt và những đô thị khác, biệt thự Hà Nội (biệt thự nhắc tới ở đây là villa thời Pháp thuộc) thân phận hơn cả.

Mỹ miều

Biệt thự phong cách miền Trung nước Pháp trên phố Lê Hồng Phong

Ở Hà Nội, những năm 80 thế kỷ XIX, thực dân xây dựng đồn binh và trại lính tại khu nhượng địa. Nay sót lại vài ba cái - nhà gạch 2 tầng, dưới bỏ trống để tránh ẩm thấp, tầng trên gồm những gian phòng có hiên bao quanh, cốt là dể tránh nắng hắt và mưa táp. Muộn hơn, xuất hiện những villa, thoạt đầu ở phía Nam hồ Hoàn Kiếm. Từ thập niên thứ hai thế kỷ trước, hình thành những đường phố, những ô phố, những xóm và khu biệt thự. Những năm 30 đầu 40, người ta còn tổ chức bình chọn mẫu biệt thự đẹp nhất Hà Nội. Lần cuối villa trong vườn ở góc phố Điện Biên Phủ và Lê Hồng Phong, được công nhận là đẹp nhất.

Biệt thự thường đặt trong khuôn viên chia lô, dọc các con phố có vỉa hè và những rặng cây trồng thẳng hàng và đều đặn, thuộc một chủng loại. Chúng hầu hết là những ngôi nhà gạch 2-3 tầng, to tát so với nhà ở của người bản địa thời đó, song lại khiêm nhường so với biệt thự của người mình thời nay. Tầng sát đất không cao và để trống. Lối lên đường bệ dẫn tới sảnh, phòng salon, phòng ăn, các phòng ngủ, phòng tắm và vệ sinh. Biệt thự nào cũng có mái hiên hoặc ban công. Nhiều khi có cả véranda - không gian 3 phía không có vách, mà chỉ ngăn bằng lan can hoa sắt hoặc con tiện. Lác đác bắt gặp những lan can đúc gang uốn cong hình bụng chửa - đấy là tàn dư của những lan can ban công thời trung cổ châu Âu, tiện cho những tiểu thư váy xòe đứng ngắm phố và ngóng trai. Hãn hữu bắt gặp những cái mézonine - khoảng không gian đặt nhô ra một bên nhà, có mái che và có vách kính bao. Đó là nơi sinh hoạt lưng chừng giữa nơi tiếp khách và nơi ngủ, là thành phần không thể thiếu ở các biệt thự Bắc Âu. Đà Lạt có nhiều villa với mézonine. Thời nay, do thiếu diện tích, đem bít lại. Biệt thự có mézonine như con mắt nhòm ra những sườn đồi thoai thoải, nay trở nên mù lòa.

Người Tây du nhập kiến trúc nhà gạch nhiều tầng, với những bức tường dày xây gạch chịu lực, mát về mùa hạ và ấm về mùa đông. Sàn nhà cấu tạo bằng dầm sắt và vòm cuốn gạch, trước khi xuất hiện bê tông cốt thép vào những năm 30. Cửa sổ lắp kính, bên ngoài thêm cửa chớp. Mái dốc lợp ngói Tây, họa hoằn lợp ngói đá ardoise. Mái thường được khuếch trương, cả về độ lớn và sự biến hoá. Chúng là thành phần đặc sắc của biệt thự Hà Nội. Ngôi nhà mái dốc chóp thẳng đứng lợp ngói ardoise ở giữa phố Quán Thánh, nhìn cứ tưởng như cái bóng chưa tan thời trung cổ Bắc Âu. Còn villa ở góc phố Lê Hồng Phong và Khúc Hạo, có hệ mái ngói y hệt bản hòa tấu kỳ lạ của những cái chóp có độ dốc khác nhau. Hình như trong một lần tu sửa mới đây, ai đó đã “giản tiện hóa” cái sự bị cho là rối rắm ấy. Cách nay chắc đã hai thập niên, nhiều người Hà Nội giàu nhanh cũng gắng dựng lên những cái chóp trên những biệt thự - lâu đài đồ sộ của mình. Xem ra, cái gì cũng có thời của nó. Những mái ngói vươn ra thường tì đỡ vào những hệ con sơn gỗ, trang sức duyên dáng cho những villa Hà Nội. Ở phố Nguyễn Biểu, biệt thự số 17 và 18, chắc thuộc sở hữu của người Việt, có những hệ con sơn đỡ mái nhà và mái hiên, cầu kỳ và tinh tế đến mức ta quên đi cái sự chúng đơn thuần là cấu trúc tỳ đỡ. Còn ở ngã tư Bà Triệu và Nguyễn Du, thỉnh thoảng bị úng ngập của Hà Nội cũ, có ngôi biệt thự một tầng, mái ngói rõ lớn và rõ nặng, che úp lên cái thân thấp lùn của nó. Ấy mà, những con sơn đỡ mái hiên lại diêm dúa đến thế. Nay cụ biệt thự lùn đã bị phá bỏ đến hai phần ba. Dưới mái nhà tàn phế ấy, hình như người họa sĩ không chịu già Ngọc Linh chưa nỡ bỏ đi ...


Biệt thự phong cách miền Bắc nước Pháp tại ngã ba Lê Hồng Phong - Khúc Hạo  

Cùng với kiến trúc biệt thự, người Tây du nhập kỹ thuật và thiết bị tiện nghi: nước máy, quạt máy, bồn tắm và vòi hoa sen, lavabo cùng vòi rubine, chậu rửa bide, xí bệt v.v.. Nhờ thế mà chu trình sống trong không gian ở khép lại. Dân ta dần dà làm chủ mô hình ăn ở tiện lợi ấy.

Trong khoảng thời gian 50 năm, kiến trúc biệt thự Hà Nội đã kịp phát triển về không gian, loại hình, số lượng, kiểu cách, sự khác biệt giàu và sang, tiến hoá theo các trào lưu quốc tế và, đặc biệt, theo chiều hướng địa phương hóa. Thoạt đầu, người Tây du nhập kiểu biệt thự có phong cách hậu cổ điển vào Sài Gòn và Hà Nội. Một giai đoạn dài hơn, họ du nhập các kiểu dáng biệt thự từ các địa phương của nước Pháp, với những biến hóa cho hợp với đất trời bản địa. Tôi gọi những kiểu cách kiến trúc biệt thự thời kỳ này là nostalgique - hoài hương, vọng quê. Từ cuối những năm 20 và nhất là từ những năm 30, kiến trúc biệt thự phát triển theo hai chiều hướng. Modernisme với việc sử dụng vật liệu bêtông cốt thép, mái bằng và sự giản tiện trang trí. Chiều hướng thứ hai, kết hợp thẩm mỹ Đông - Tây cùng sự khai thác theo chiều sâu những đặc trưng của xứ nhiệt đới nóng - ẩm, lấy đó làm điểm tựa cho một phong cách kiên trúc riêng biệt.

Cùng với thể loại biệt thự trong các khuôn viên phân lô đa phần thuộc sở hữu người Tây, ở Hà Nội sớm định hình dạng biệt thự liền kề, chủ yếu do người Việt thuộc giai tầng trung lưu sở hữu. Các phố Bùi Thị Xuân, Triệu Việt Vương, Mai Hắc Đế, Quán Thánh, Nguyễn Trường Tộ, Hàng Than v.v.. đã từng xây kín bởi những căn biệt thự kiểu ấy. Nhà nghiên cứu đô thị người Pháp Christian Pédelahore de Loddis, người hiểu biết bản chất kiến trúc Hà Nội cực kỳ tinh tế, cho rằng kiểu biệt thự này là sự phát triển tiếp nối mô hình nhà ống ở khu phố cổ.

Biệt thự thời Pháp chẳng những là nét đẹp và nét sang trong quỹ kiến trúc đô thị Hà Nội, chúng còn thôi thúc người mình hôm nay sao chép và biến hóa không biết nhàm chán, làm nảy sinh chủ nghĩa hình thức, khá vô duyên trong công cuộc phát triển nền kiến trúc Việt Nam, lẽ ra phải đuổi bám thời đại. Có lẽ bởi villa thời xưa là nơi sống tiện lợi và thanh thản, đẹp nhã và đẹp bền, sang mà không phô diễn, văn hóa chính là ở sự chừng mực... Học hỏi kiến trúc villa, chính là những tinh hoa ấy.

Bắt nguồn từ màu những viên sa thạch, mà người Pháp ưa ốp mặt nhà ở thành thị và thôn quê. Nay ta sơn phủ công sở và nhà ở bằng gam màu cũng vàng, song lại là vàng đậm và gắt. Thời Tây, hễ Hà Nội có dịch thương hàn là người ta cắm những lá cờ hình tam giác màu ấy.
  • Ảnh bên : Biệt thự phong cách miền Bắc nước Pháp trên phố Quan Thánh
Biến đổi

Từ năm 1954, với villa Hà Nội, thời cuộc đã đưa tới những biến đổi gốc rễ. Những biến đổi liên quan trước hết đến quyền sở hữu. Tiếp theo là về sử dụng. Cả hai đều gây hệ lụy, ngày càng sâu xa.

Những chủ sở hữu cũ hầu hết đã ra đi. Một số ít lưu lại, song đã vào những vai khác. Các biệt thự sang trọng dùng cho các cơ quan ngoại giao. Các biệt thự lớn đem dùng cho các công sở. Một số lượng khá lớn trao cho các gia đình cán bộ cao cấp, có tiêu chuẩn tương ứng cả về ở, ăn lẫn xe cộ. Dòng người từ miền ngược và thôn quê ồ ạt chuyển về thủ đô, tạo ra làn sóng di dân lần thứ nhất - bộ đội, cán bộ, nhân viên và công nhân. Họ được sắp xếp vào ở những căn nhà có diện tích dôi ra do sự “nhũn nhặn” vốn dĩ của chủ nhân - người Hà Nội gốc. Nhà vẫn thiếu, họ được phân chỗ ở, trong các ngôi biệt thự, chưa bao giờ thiết kế cho sự chung sống tập thể, cho những ai chưa từng ở nhà Tây.

Dạng di dân và cư trú tương tự ta có thể thấy ở những thành phố Nga sau năm 1917. Người Nga gọi cộc lốc là “côm-mu-nál-ca”, nhà ở chung, nơi sống chung đụng.

Villa Hà Nội trong những hoàn cảnh lịch sử, nên được nhìn nhận khách quan, khó bề tránh khỏi sự xuống cấp kỹ thuật, biến dạng kiến trúc, sa sút thẩm mỹ. May mắn hơn cả là những biệt thự do các cơ quan ngoại giao nước ngoài sử dụng. Chủ hầu hết là người Tây, họ hiểu biết và có điều kiện duy trì, do đó biệt thự chẳng những không tàn phai, mà lại còn ngời sáng.

Những tòa biệt thự biến thành công sở biến dạng và xuống cấp do chúng chưa hề được thiết kế làm nơi ra vào của đám đông, do bị thờ ơ bởi cái lẽ chúng chẳng phải là của riêng ai. Dạo chiến tranh, cơ quan sơ tán, các hộ nhân viên đổ bộ nhẹ nhàng vào, biến biệt thự công sở thành nơi ở hơn là nơi làm việc, với tất cả những hệ luỵ dai dẳng. Ở tạm mà hóa ra ở lỳ.

Biệt thự dành cho gia đình cán bộ cao cấp có số phận chẳng may mắn hơn là bao. Một thời gian dài, tuy là cao cấp, song họ vẫn nghèo. Con cái lấy vợ gả chồng, mỗi đôi một buồng. Thiếu chỗ, cơi nới và xây quanh hàng rào. Sau này, nhà nước thanh lý theo giá “tượng trưng”, con cháu đem bán nhà mà thực ra là bán đất.


Biệt thự Tân cổ điển kiểu đế chế trong khuôn viên trường Chu Văn An 

Thân phận hơn cả là những biệt thự bị biến thành nhà tập thể, mỗi gia đình một buồng, buồng tắm cho hộ ít người. Mọi tiện nghi cũ dẹp đi. Trong sân xuất hiện nhà vệ sinh công cộng, bể nước công cộng, nhà tắm công cộng, chuồng lợn, chuồng gà... Nhu cầu sử dụng gia tăng, ai ở tầng một thì bành trướng ra sân, ai ở tầng trên thì bành trướng lên trời. Hết chỗ, thì làm nhà tạm bợ dọc hàng rào. Biệt thự bị xâm thực từ trong ra, từ ngoài vào và từ trên xuống. Chúng trở thành tổ người, biến dạng đến nỗi, ai muốn phục dựng hình hài cũ, phải dụng đến công cụ mổ xẻ kết hợp với tài phán đoán của nhà khảo cổ học.

... Trong xóm Hạ Hồi, nguyên là xóm biệt thự êm đềm, hiện hữu một cái nhà nguyên là biệt thự. Nguyên, bởi nó đã bị nuốt chửng bởi những sáng tạo kiến trúc, phát sinh từ những sự bất đắc dĩ kéo dài hàng chục năm ròng, với vô số những cuộc thập tự chinh, những va chạm và những cuộc họp hòa giải. Trong gian phòng rộng chừng 20m2, ông kỹ sư và bà bác sĩ tuổi quá 70 vẫn ôm ấp những kỷ niệm một đời người. Ông bà ôm hôn nhau lần đầu ở đây, làm lễ thành hôn, trở thành cha mẹ, rồi ông bà nội ngoại cũng ở đây. Tổ ấm - một phòng của họ đầy ắp những vật dụng, chẳng nỡ vứt, toàn là những kỷ niệm một đời con kiến tha lâu đầy tổ. Ngay ở căn phòng phía sau, ngăn cách bởi cửa kính và những cái tủ kê cho khuất mắt, tá túc một gia đình ba thế hệ, già nua và trưởng thành cả rồi, mà chẳng ai ăn nên làm ra. Sự cáu gắt và to tiếng là lẽ bình thường. Chỉ khổ hàng xóm, họ quên đứt đi cái việc điều tiết volume. Trên gác, trong căn phòng nguyên là vệ sinh, nguyên là chỗ ở của một họa sĩ có danh, những bức tranh dở dang và những pho tượng thạch cao chồng chất, đã lâu chưa thấy ai đoái hoài. Trên cái véranda, lợp tôn và bao che bởi tường gạch không trát, vài chục năm nay cư ngụ ông nhạc công kèn đồng. Sáng sáng, ông dóng vào không trung trích đoạn ouvertures của Richard Wagner. Ông nói, cho nó oai phong lẫm liệt... Trong sân, hai dãy nhà tạm bợ tuổi đã 30, ẩm ướt và tăm tối, bà bánh cuốn, ông cháo lòng tiết canh cùng mấy bác từ mãi đâu đâu, chui rúc. Trên tầng hai, trong hai căn buồng nhỏ, vẫn còn đấy con cháu những người chủ cũ. Ai đến chơi, là một dịp họ nhắc về cái sự sở hữu một thời. Và thở dài…

Không nơi nào nhiều biệt thự đẹp, quý và thân phận như Hà Nội của tôi. Trong mắt người này biệt thự Hà Nội là di sản quý hiếm. Trong mắt người kia biệt thự Hà Nội là ứ tồn đô thị. Ai đó lại nhìn thấu giá trị mảnh đất, nơi chúng tọa lạc. Còn những người Hà Nội cũ, chậm chạp và nhũn nhặn, thì biệt thự đã là hoài niệm.

(Bài đăng Báo Người Đô thị số 82 và mạng Ashui.com)

GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính

12/10/10

Hà Nội, phải yêu mới hiểu

Giáo sư, tiến sĩ, kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính chia sẻ: "Tôi muốn nói rằng, Hà Nội là thành phố mà phải yêu thì ta mới hiểu được nó. Không yêu thì dễ nhìn thấy những sự làm ta bực mình, nhưng yêu rồi thì sẽ hiểu, đây cũng là một thành phố tuyệt vời."

Ông là một trong những đại diện tiêu biểu của đội ngũ trí thức sinh ra và lớn lên trong vòng tay êm ấm nhất của cách mạng. Thời nhỏ, sau hơn một năm học tiểu học ở Trung Quốc, ông đã được lựa chọn vào nhóm "hạt giống đỏ" (gồm 100 người là con các nhà lãnh đạo, trí thức, các gia đình có công với cách mạng, gia đình liệt sĩ) đi đào tạo ở Liên Xô. Vốn học vấn phong phú và vững chãi được tiếp nhận trên quê hương cách mạng Tháng Mười đã giúp kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính làm được nhiều việc hữu ích cho đất nước. Cho tới hôm nay, đã sát gần thất thập, ông vẫn luôn luôn bận rộn với công việc chuyên môn và cả việc đời. Phong thái nồng nhiệt, cởi mở đã giúp ông toát ra sức hấp dẫn trẻ trung hơn nhiều so với tuổi "cổ lai hy".

Cuộc trò chuyện với ông đã diễn ra vào sáng thứ sáu ngày 8/10/2010, trong không khí đang rất nóng của những ngày Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Nể tôi lắm, ông mới dành cho tôi được hơn 1 giờ từ khoảng thời gian mà lẽ ra ông phải tiếp tục ngồi ở Hội thảo khoa học quốc tế "Phát triển bền vững Thủ đô Hà Nội văn hiến, anh hùng, vì hòa bình".

Hồng Thanh Quang: Trong những ngày này, những công việc gì của GS-TS, KTS Hoàng Đạo Kính mới là chính? Tham dự các hội thảo?
KTS Hoàng Đạo Kính: Đúng thế, tham dự nhiều hội thảo, nhiều sinh hoạt, nhiều hoạt động. Nhưng việc nhiều nhất chính là việc nghĩ về Hà Nội hôm nay.

Hồng Thanh Quang: Ông cảm nhận thế nào về không khí của Đại lễ?
KTS Hoàng Đạo Kính: Trước tiên phải nói là thành phố sạch, đẹp lên nhiều… Nhưng cái hay nhất là được thấy sự quan tâm của cộng đồng, niềm hưng phấn, niềm tự hào về Hà Nội. Lâu nay, nói về Hà Nội, đôi khi ta vẫn cảm thấy cần phải có hệ số thông cảm, hệ số thanh minh, nhưng bây giờ thấy niềm tự hào...

Hồng Thanh Quang: Thực sự xứng đáng?
KTS Hoàng Đạo Kính: Thật sự tự hào. Tự hào cả về quá khứ, cả về hôm nay. Tự hào riêng cả về sức hút của Hà Nội. Tôi muốn nói rằng, Hà Nội là thành phố mà phải yêu thì ta mới hiểu được nó. Không yêu thì dễ nhìn thấy những sự làm ta bực mình, nhưng yêu rồi thì sẽ hiểu, đây cũng là một thành phố tuyệt vời. Và người Hà Nội đã làm được rất nhiều việc tốt trong dịp Đại lễ này…
Còn những việc khác như là mình còn phải tiếp tục xây dựng, mở mang thành phố thì đấy là việc đương nhiên. Kể ra thì, trong quá trình hiện đại hóa cấp tập của Hà Nội, có một số những hạng mục mà người ta vừa qua phải dồn sức vào để có thể kết thúc đúng vào dịp kỷ niệm này. Tôi thấy đó cũng là hơi khiên cưỡng một tí, nhưng có thể hiểu được. 

Hồng Thanh Quang: Nên nghĩ như thế này, có một số công trình được kết thúc đúng dịp kỷ niệm thì đấy vẫn chỉ là khúc tạm dừng thôi, tạm lắng để  vào ngày quốc lễ. Còn sau đây chúng ta lại sẽ tiếp tục làm để phát triển, mở mang Thủ đô… Ông có thấy thế không?
KTS Hoàng Đạo Kính: Đúng rồi. Thí dụ như Bảo tàng Hà Nội, chúng ta ấp ủ mấy chục năm nay rồi, bây giờ đã hoàn thành xong cái "thân thể" của  nó. Thế là mừng. Nhưng vẫn còn cần phải làm sao để nội dung của nó cũng "y phục xứng kỳ đức". Rồi những con đường vành đai này, cái trục kia, được hoàn thành đúng dịp kỷ niệm thì cũng là mừng, chứ không nó có thể còn lâu nữa mới kết thúc.

Hồng Thanh Quang: Đôi khi thời hạn đặt ra để chào mừng kỷ niệm cũng có tác dụng thúc đẩy con người làm việc có hiệu quả hơn để khỏi kéo dài thời gian quá mức cần thiết… Mong sao sự thật là như thế chứ không phải là viện cớ cần hoàn thành đúng thời hạn thi đua mà lơ là với chất lượng thực của công trình.
KTS Hoàng Đạo Kính: Cái mà tôi muốn nói với Hồng Thanh Quang là, xã hội phải luôn được thôi thúc, thôi thúc không phải chỉ bằng các sự kiện chính trị, các hoạt động chính trị của Chính phủ, của Nhà nước hay là những phong trào như uống nước nhớ nguồn... mà còn cần phải được thôi thúc bởi bản thân cái nhu cầu…

Hồng Thanh Quang: Bằng những nhu cầu tự thân của chính xã hội?
KTS Hoàng Đạo Kính: Tự thân của xã hội.

Hồng Thanh Quang: Chứ không phải nhu cầu cần tuyên truyền, cần phải tỏ ra, cần phải thế này thế nọ…
KTS Hoàng Đạo Kính: Xã hội cũng phải tự thúc đẩy, từng con người cũng phải được thúc đẩy, cả thế hệ  cần phải được thúc đẩy, cả xã hội cũng cần phải được thúc đẩy thì mọi việc tất sẽ mang lại hiệu quả thực chất và thường xuyên của nó… Nói tóm lại, những ngày vừa rồi tôi thấy rất xúc động, rất hưng phấn. Phải nói những sự kiện vừa qua là nghìn năm mới có được. Vì thế, nếu có người kêu rằng là có cái này chưa được, cái kia chưa được, thì tôi nghĩ, đấy cũng là cái chuyện đương nhiên. Người Việt Nam chúng ta sau sự hiếu, sự hỷ  thì bao giờ cũng có lời xin lỗi.

Hồng Thanh Quang: Vâng, "nếu có gì sơ suất, xin được lượng thứ" (cười)…
KTS Hoàng Đạo Kính: Đấy, chuyện hiếu hỉ riêng của từng gia đình mà còn như thế, nữa là đây, một cuộc vận động hàng nghìn, hàng vạn, hàng triệu người cùng tham gia vào Đại lễ, thì tất yếu sẽ nảy sinh những cái này, cái nọ…

Hồng Thanh Quang: Tôi mặc dù không phải thích hết những hoạt động đã và đang diễn ra, nhưng cũng nghĩ rằng, chúng ta đã rất cố gắng để tạo nên được một sự hưng phấn như thế nhân dịp Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Muốn nói gì thì nói, sau sự kiện này, người Hà Nội và người trong cả nước cũng sẽ cảm thấy mình phải có trách nhiệm hơn đối với Thủ đô.
KTS Hoàng Đạo Kính: Đúng thế.

Hồng Thanh Quang: Nhưng ông nghĩ thế nào về một số ý kiến cho rằng, sự chi phí của chúng ta do Đại lễ liệu có phải quá nhiều đối với một đất nước với trình độ phát triển như Việt Nam hay không?
KTS Hoàng Đạo Kính: Thứ nhất là, mình phải tách bạch ra, những chi phí gì dành cho việc hiện đại hóa Hà Nội, mở mang Hà Nội, không có Đại lễ kỷ niệm 1000 năm cũng vẫn cứ phải có. Bởi vì lúc này, trong 20-30 năm, mà mình không hiện đại hóa Hà Nội thì Hà Nội còn thụt lùi hơn nữa. Nên nếu nói về việc chi phí rất lớn thì tôi không được biết cụ thể chi phí gì, nhưng tôi cảm giác rằng những chi phí rất lớn là dành cho việc phát triển Hà Nội. Còn những chi phí dành cho...

Hồng Thanh Quang: Nghi thức, tân trang…
KTS Hoàng Đạo Kính: Dành cho việc dọn dẹp thành phố, trang điểm thành phố hoặc là làm lễ hội thì tôi chắc là cũng không lớn lắm.

Hồng Thanh Quang: Tôi đọc trên báo chí thấy bảo, riêng quận Hoàn Kiếm hình như đã dành tới hơn 1.000 tỷ chỉ để chỉnh trang bộ mặt đường phố…
KTS Hoàng Đạo Kính: Không có, không có đâu…

Hồng Thanh Quang: Ông nghĩ là không có?
KTS Hoàng Đạo Kính: Chắc đó là kinh phí cả để làm vỉa hè nọ kia, làm nhiều thứ khác. Vỉa hè Hà Nội thì việc sửa chữa là đương nhiên phải làm.

Hồng Thanh Quang: Ông hoàn toàn tán đồng tất cả những việc như thế?
KTS Hoàng Đạo Kính: Mình làm, nhưng làm thế nào là chuyện khác. Thí dụ như Hà Nội hiện nay có hàng ngàn, hàng vạn cái nhà mà không phải của ai cả, tức là của Nhà nước. Rồi một cái nhà ở phố cổ Hà Nội chẳng hạn, có tới hai chục người chủ, thì chả bao giờ người ta sơn mặt nhà cả.
Thành ra, nếu thành phố không sơn thì ai sơn? Nhưng nếu sơn tất cả đồng loạt một màu thì không nên, đã sơn thì phải sơn một cách có ý tứ… Và việc lát vỉa hè thì phải tính đến loại gạch cần lát… Những việc đó là những việc thông thường, phải làm, nhưng phải làm sao cho chuẩn…

Hồng Thanh Quang: Còn những sơ sảy nếu xảy ra  thì mình có thể hiểu được. Không nên sợ sơ sảy mà không làm những việc cần làm. Cần thì cứ làm đi, còn nếu mà ai có lỗi đều có thể xử lý được sau này.
KTS Hoàng Đạo Kính: Đôi khi có những người cứ co dúm lại, cứ sợ rằng là trước nhiệm kỳ này hay nhiệm kỳ khác, làm nếu có sai thì sẽ mất ghế, làm nếu nhiệt tình quá thì sợ sẽ bị thanh tra này nọ… Nhưng nếu ai cũng thế thì lấy ai để làm? Phải làm, việc thanh tra thì cứ thanh tra, còn việc cần làm cứ phải làm.

Hồng Thanh Quang: Theo tôi biết thì hình như ông cũng có kinh nghiệm tương tự trong quá khứ, khi góp tay vào trùng tu Nhà hát Lớn Hà Nội. Bài học của ông sau công việc đó?
KTS Hoàng Đạo Kính: 40 năm trời làm trong lĩnh vực di sản, bảo tồn di tích, tôi lúc nào tôi cũng nghĩ, không riêng gì với Nhà hát Lớn: nền tảng, xuất phát điểm, khởi đầu của tất cả mọi thứ là văn hóa, nhận thức văn hóa, thái độ văn hóa và ứng xử văn hóa. Cái đó quan trọng lắm. Ví dụ như đối với khu phố cổ cũng thế, mình phải nhìn ra cho rõ thực sự bản chất phố cổ nó là cái gì, nó có giá trị ở chỗ nào, nó là di tích hay nó là di sản?
Chẳng hạn, Nhà hát Lớn là công trình do người Pháp làm, khánh thành vào năm 1911, thế kỷ XX, thì mình nhìn ở đấy giá trị gì, cái gì cần phải giữ cho được, cái gì cần phải nâng cấp, cải tạo… Kiến trúc đó là kiến trúc rất đẹp nhưng sự xuống cấp của nó là trông thấy, cực kỳ tồi tệ, sau nữa là sự không phù hợp về trình độ, về công nghệ kỹ thuật…
Thế thì khi trùng tu, mình phải giữ cho được những đặc điểm, những giá trị kiến trúc nghệ thuật, mỹ thuật và cái tính lưu niệm của nó, đồng thời phải nâng cấp bên trong, đặc biệt nâng cấp về thiết bị để cho thành một nhà hát vừa cổ điển, vừa cổ kính, vừa mang tính lưu niệm, đồng thời nó phải vừa hiện đại.

Hồng Thanh Quang: Giá trị sử dụng phải phù hợp với các yêu cầu hiện đại
KTS Hoàng Đạo Kính: Giá trị hiện đại!

Hồng Thanh Quang: Nghe ông nói  thì mọi chuyện đều rất đúng.
KTS Hoàng Đạo Kính: Khi khánh thành Nhà hát Lớn sau trùng tu, đêm đầu tiên có NSND Lê Dung. Tôi mới hỏi, ấn tượng thế nào? Và Lê Dung trả lời: Lần đầu tiên em được biểu diễn trong một ngôi đền nghệ thuật ở Việt Nam. Lần đầu tiên! Tôi cho rằng đánh giá rất đúng. Tôi luôn tâm niệm Nhà hát Lớn phải là ngôi đền nghệ thuật.

Hồng Thanh Quang: Đó là năm nào?
KTS Hoàng Đạo Kính: Đó là năm 1997. Khi đó diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh các nước nói tiếng Pháp.

Hồng Thanh Quang: Ông nói về mặt nguyên lý thì tôi rất đồng ý rồi. Nhưng thực sự ở Việt Nam thì theo ông, thái độ văn hóa, cách ứng xử mang tính văn hóa đối với các di sản nói chung và đối với các di sản kiến trúc nói riêng đang ở mức độ như thế nào? Và chúng ta cần phải làm gì để nâng cao chất lượng tất cả những thứ như vậy?
KTS Hoàng Đạo Kính: Tôi sẽ nói ngắn gọn thế này. Trước đây độ khoảng hơn nửa thế kỷ, thì hầu như không người Việt Nam nào nói đến chữ di tích cả, cũng như di sản văn hóa cả. Cái việc đó chúng ta mới nói sau năm 1954, còn trước đó thì chỉ người Pháp làm trong phạm vi những nhà bác học ở Trường Viễn Đông bác cổ thôi.
Sau năm 1954, đặc biệt là năm 1957-1958 đến nay, thì ở trong xã hội chúng ta dần dà nói đến vấn đề đó. Nhà nước thì nói đến việc cần phải có cơ quan bảo tồn di tích, nhân dân thì bắt đầu tôn trọng di tích dần dần… Khái niệm về bảo tồn, khái niệm về trùng tu dần dần hình thành trong thực tế và những cơ chế làm công việc đó, con người làm công việc đó thực ra cũng chỉ mới hình thành độ 20-30 năm gần đây thôi.

Hồng Thanh Quang: Nhưng ngày xưa dù không có những khái niệm khoa học ấy nhưng người ta vẫn làm công tác bảo tồn tất cả những gì cha ông để lại đấy chứ, vẫn trùng tu, xây dựng di tích lại...
KTS Hoàng Đạo Kính: Không có đâu.

Hồng Thanh Quang: Các triều đại vẫn trùng tu lại các di tích cũ…
KTS Hoàng Đạo Kính: Khái niệm đó không phải khái niệm trùng tu của châu Âu. Các cụ ngày xưa chưa có khái niệm đó; người Việt Nam mình, người Trung Quốc chưa có khái niệm về di tích, không có khái niệm về trùng tu...

Hồng Thanh Quang: Ông có thể giải thích rõ hơn?
KTS Hoàng Đạo Kính: Một số người có sự nhầm lẫn, họ nói rằng đình Việt Nam được sắc phong thờ ai, thì tức là được công nhận là di tích. Nhưng không phải thế, phong sắc cho thờ ai không có nghĩa là công nhận đấy là di tích.

Hồng Thanh Quang: Việc phong sắc ấy là không kèm theo một đặc quyền vật chất nào?
KTS Hoàng Đạo Kính: Không, đấy là chỉ phong sắc để thờ thôi chứ không phải phong sắc là quy định bảo tồn cái đó, vì khi cái đình được xây ra, nó chưa là di tích và cũng chưa bao giờ người Việt Nam mình nghĩ đấy là di tích theo khái niệm của châu Âu, tức là như một di sản cần được bảo tồn, bất di bất dịch, nguyên si.

Hồng Thanh Quang: Trong thực tế người ta vẫn giữ lại cơ mà.
KTS Hoàng Đạo Kính: Người ta giữ lại chẳng qua đấy là nhu cầu sử dụng, chứ không phải giữ lại vì nó cổ, hay vì nó là tư liệu lịch sử.

Hồng Thanh Quang: Và khi cần người ta sẵn sàng đập đi để xây cái khác.
KTS Hoàng Đạo Kính: Đập đi xây lại và người ta nghĩ người ta làm còn đẹp hơn. Thực tế là xấu hơn (cười).

Hồng Thanh Quang: Nhưng họ vẫn coi như là đẹp hơn.
KTS Hoàng Đạo Kính: Ngày xưa các cụ thấy hỏng đến đâu sửa đến đấy, khi các cụ ít tiền. Khi các cụ có nhiều tiền thì các cụ phá đi làm lại theo ý của các cụ. Chẳng hạn như thời Nguyễn thì chê thời Lê. Như mình vừa rồi, có người chê cả thời Nguyễn cũng thế, chê thì đập đi làm lại nếu có tiền, còn nếu ngôi đình ngôi chùa đó đã bị phá đi thì xây mới hoàn toàn. Và trên bia đặt ở đó thì cũng ghi trùng tu vào năm bao nhiêu, hết bao nhiêu và nói rằng đã làm đẹp hơn, to hơn, đàng hoàng hơn, nhưng thực ra có khi lại là bé hơn, xấu hơn… Thế đấy!

Hồng Thanh Quang: Tức là qua chuyện này theo ông, liệu có thể thấy ra một đặc tính của người Việt Nam là, hình như thế hệ nào cũng muốn khẳng định mình là Number One? Điều đó có khi cũng tốt nhưng nó cũng làm cho khó xử hơn trong quan hệ với các di sản quá khứ, đúng không ạ?
KTS Hoàng Đạo Kính: Trong lịch sử nước ta đã xảy ra chuyện, triều đại đi sau thì thù hằn triều đại đi trước, nên cũng xóa đi dấu vết của tiền nhân. Đấy là chưa kể chiến tranh này nọ cũng sẽ phá đi di sản của những người đi trước… Thành ra chúng ta trước đây không có ý thức về bảo tồn…

Hồng Thanh Quang: Bảo tồn và kế thừa…
KTS Hoàng Đạo Kính: Ngay ở châu Âu văn minh như thế nhưng họ cũng chỉ có vào từ cuối thế kỷ XVIII sang thế kỷ XIX mới hình thành những khái niệm về bảo tồn. Đến tận đầu thế kỷ XIX, đấu trường Colisei ở Italia vẫn còn bị coi như một  mỏ khai thác đá cơ mà, họ vẫn cho xe ngựa đến lấy đá chở đi chỗ khác. Nước Italia là nước "tổ sư" về di tích và nước Italia là một trong 2-3 nước lập ra khoa học bảo tồn di tích, bảo tồn di sản thì ngay đầu thế kỷ XIX vẫn còn như thế.

Hồng Thanh Quang: Bảo tồn vẫn là môn khoa học mới...
KTS Hoàng Đạo Kính: Mới có và thực sự hình thành vào cuối thế kỷ XIX.

Hồng Thanh Quang: Theo ông, một trong những "trưởng lão" của môn khoa học mới mẻ này, ông thấy chúng ta cần phải làm gì để nâng cao chất lượng của công tác bảo tồn di sản?
KTS Hoàng Đạo Kính: Như tôi đã nói, đầu tiên vẫn là phải nâng cao văn hóa nhận thức. 30-40 năm trước mình nghèo thì di tích bị đổ nát, bây giờ mình giàu lên một chút rồi thì di tích lại có nguy cơ bị thô bạo hóa, phú nông hóa, bị trọc phú hóa, mà cái này cũng rất nguy hiểm. Nghèo cũng nguy hiểm, biết có thể đổ nhưng không có tiền làm.
Ví dụ như những năm 1978-1980, lần đầu tiên Bộ trưởng Bộ Văn hóa Hoàng Minh Giám chủ trì việc trùng tu đình Tây Đằng, tháp Báo Nghiêm - chùa Bút Tháp. Tôi cũng tham gia từ đợt đấy. Lúc đó không có tiền, cực kỳ khó khăn, người thợ một ngày có 3 hào mà Bộ trưởng phải xin chính phủ thêm được 2 hào cho người ta ăn thêm cơm.
Và bản thân Giám đốc Hoàng Đạo Kính hồi đó toàn ăn ngô… Bây giờ thì có thể cùng lúc tu sửa hàng trăm cái đình, hàng trăm di tích nhưng mà cái sự giàu có, nhiều tiền mà làm không chuẩn thì lại nguy hiểm hơn cho di sản, di tích. Nguy hiểm bởi sự ít học, ít hiểu biết.

Hồng Thanh Quang: Việc này có một phần lỗi bởi các giáo sư đầu ngành như ông. Tại sao ông cùng các đồng nghiệp không đào tạo đủ số lượng cán bộ tham gia vào công việc ấy?
KTS Hoàng Đạo Kính: Làm sao đào tạo được vì chúng ta có quan tâm thực sự tới việc này đâu. Suốt mấy chục năm trời, ngoài tôi ra hình như không có ai thêm được học ở nước ngoài về bảo tồn. Cũng có vài người đi học làm kiến trúc sư ở nước ngoài nhưng kiến trúc sư học nghề trùng tu di tích là không có hoàn toàn.

Hồng Thanh Quang: Ngoài ông ra không có ai thêm nữa?
KTS Hoàng Đạo Kính: Ngoài tôi hàng chục năm trời không có ai cả, tôi là người đầu tiên học cái đó. Mình ở Nga, nước Nga là nước yêu di sản mình mới học cái đó được, mình bị "lây".

Hồng Thanh Quang: Chế độ Xôviết rất yêu di sản, chứ bây giờ thì bạn cũng mắc bệnh như chúng ta rồi.
KTS Hoàng Đạo Kính: Hàng chục năm trời tôi nói cần phải đào tạo, nhưng đào tạo được cái gì đâu khi các trường kiến trúc họ chỉ đào tạo kiến trúc sư làm cái mới thôi, mà làm cái mới cũng đào tạo chưa xong, chưa ra hồn, thì cái nghề làm trùng tu di tích, bảo tồn di tích là cái nghề công việc thì xa hoa, nhưng lợi lộc thì nghèo rớt mùng tơi nên mấy ai nghĩ tới nó.

Hồng Thanh Quang: Theo ông, nguyên nhân sâu xa dẫn đến một loạt những vụ vi phạm trùng tu mà lại là phá di tích là ở đâu?
KTS Hoàng Đạo Kính: Thứ nhất, những người không biết làm di tích sờ vào di tích. Thứ hai, cái quan niệm là trùng tu di tích là phải cho nó thực sự khang trang, thật là khỏe, nó tồn tại 50 năm nữa không hỏng, là một quan niệm hoàn toàn sai. Rồi vấn đề tăng vốn đầu tư dữ dội, di tích gỗ thay 70-80 phần trăm bằng vật liệu khác. Bởi vì sao? Vì cần có khối lượng theo giấy xây dựng! Trong lúc đó, bản chất của việc trùng tu di tích là, chữa bệnh cho một ông già bà cả, mà ông già bà cả sau khi chữa bệnh là dẹp đi hết những nguyên nhân dẫn đến bệnh tật, khỏi bệnh tật và có khả năng tồn tại lâu dài...

Hồng Thanh Quang: Nhưng mà vẫn giữ nguyên tuổi già của mình chứ không phải cải lão hoàn đồng, năm trăm năm thành một năm tuổi…
KTS Hoàng Đạo Kính: Hồng Thanh Quang nói đúng, không phải cải lão hoàn đồng mà tóc vẫn phải bạc, da vẫn phải mồi…

Hồng Thanh Quang: Chân tay vẫn hơi run (cười)…
KTS Hoàng Đạo Kính: Đúng thế. Di tích phải giữ được độ tuổi bởi vì di tích là chứng nhân lịch sử, duy nhất, không bao giờ lặp lại cả mà còn sót lại do sự tình cờ của số phận. Mình cho rằng, hiện nay chúng ta lại muốn tương đồng việc chữa bệnh cho di tích như là cải lão hoàn đồng cho ông già bà cả. Điều đó hoàn toàn sai.

Hồng Thanh Quang: Trong đợt chuẩn bị Đại lễ này, ở Hà Nội cũng có một số di tích trùng tu và cũng có rất nhiều ý kiến khác nhau đánh giá về chất lượng của di tích ấy. Ông có nhận thấy điều đó không?
KTS Hoàng Đạo Kính: Tôi nói thẳng là vì sao. Tại vì người làm công tác thiết kế trùng tu cũng như những người thực hiện trùng tu đều bị ràng buộc bởi những tiêu chuẩn của ngành xây dựng hết.
Ví dụ ở nước người ta, khi người ta trùng tu một di tích thì 2/5, thậm chí một nửa kinh phí trùng tu dành cho việc nghiên cứu, tức là khảo cổ học, nghiên cứu di tích, nghiên cứu lịch sử của nó, tư liệu liên quan, rồi làm hồ sơ, làm thiết kế, cái đó chiếm một phần nửa non tiền. Nhưng ở Việt Nam hiện nay tiền ấy đánh ngang với tiền thiết kế phí, mà thiết kế phí của chúng ta là 2,5%, Thử tưởng tượng xem, một trăm bạc mà chỉ dùng 2 đồng rưỡi bạc cho hồ sơ khoa học…

Hồng Thanh Quang: Thì làm sao mà có chất lượng được.
KTS Hoàng Đạo Kính: Cho nên cái anh kiến trúc sư dại gì mà phải nghiên cứu cái cầu, cái tam quan, phục hồi cái tam quan đã bị mất, hoặc tu sửa cái tam quan bị mất, hoặc phải thiết kế một cái tam quan duy nhất phù hợp cho cái chùa như ở đền Voi Phục chẳng hạn, hay như ở đình Kim Liên chẳng hạn.
Việc đó là việc phải làm nhưng sức đâu họ làm việc đó khi mà tất cả thiết kế phí của họ chỉ bằng kinh phí của một anh xây dựng cơ bản? Chính vì thế cho nên không ai thích làm thiết kế đâu, chỉ thích làm xây dựng, làm dự án thôi.

Hồng Thanh Quang: Ông cũng là một trí thức vào hàng cỡ lớn và cũng ở những vị trí rất quan trọng, chẳng lẽ những người như ông không thuyết phục được để thay đổi cơ chế trong mấy chục năm qua hay sao?
KTS Hoàng Đạo Kính: Không tài nào, không tài nào!

Hồng Thanh Quang: Lý do là sao?
KTS Hoàng Đạo Kính: Trong khoa học, nhất là trong lĩnh vực khoa học ứng dụng như bảo tồn trùng tu di tích thì vai trò của cơ chế cực kỳ ghê gớm.

Hồng Thanh Quang: Nhưng cơ chế là do con người tạo ra.
KTS Hoàng Đạo Kính: Cả một hệ thống cơ chế, thay đổi khó lắm.

Hồng Thanh Quang: Có không ít nhà khoa học về cuối trở nên duy tâm hơn, kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính đến tuổi này có vẻ hơi chút bi quan về công việc mình làm chăng?
KTS Hoàng Đạo Kính: Cái gì cũng phải đặt đúng chỗ của nó. Mình đã phát triển ở mức trình độ cao rồi và đồng thời có khả năng về tài chính, về kỹ thuật và có khả năng cả về con người nữa thì đã đến lúc phải tỉnh ngộ, dừng lại, ngoái lại nhìn về đằng sau để rút kinh nghiệm. Mình làm đuợc nhiều việc lắm nhưng mình tàn phá cũng nhiều, tàn phá bởi vì đồng tiền mình có, tàn phá bởi vì sự học thức chưa đủ, sự thận trọng không đủ…

Hồng Thanh Quang: Tôi nghĩ, số phận cũng không ngẫu nhiên chọn ông làm nghề bảo tồn di sản đâu. Ông thực sự xuất thân trong một gia đình mang tính cổ kính văn hóa. Ông nội của ông cũng là nhà sử học đúng không?
KTS Hoàng Đạo Kính: Nhà văn hóa, nhà nho…

Hồng Thanh Quang: Vâng, đó là nhà văn hóa, nhà sử học, nhà nho Hoàng Đạo Thành. Và cha của ông là người mà tất cả chúng ta đều ngưỡng mộ, bác Hoàng Đạo Thuý, một người rất khả kính. Tôi biết, bác Hoàng Đạo Thuý sinh ra ở nhà số 7 Hàng Đào, vì tôi cũng sinh ra ở 21 Hàng Đào (cười). Thế ông đã sinh ra ở đâu, chắc trên chiến khu nhỉ?
KTS Hoàng Đạo Kính: Không, tôi sinh ra ở Hà Nội, gần Văn Miếu Quốc Tử Giám.

Hồng Thanh Quang: Bây giờ, ông nhớ gì về cha mình, nhà văn hóa Hoàng Đạo Thuý?
KTS Hoàng Đạo Kính: Điều đó nói một câu hơi khó. Cha tôi là một người về mặt tri thức là có sự tích tụ, sự kế nối, kế tiếp kế thừa Nho học ở thời muộn. Và cha tôi cũng là người hấp thụ rất nhuần nhị văn hóa phương Tây, văn hóa Pháp. Hai cái đó cộng làm một, hòa quyện ở trong ông.
Ông từng than vãn với tôi rằng, đến 90 tuổi trí nhớ ông vẫn tốt. Khổ vì trí nhớ. Người ta sướng vì trước khi chết người ta lẫn. Còn mình tỉnh quá, tỉnh đến mức độ năm 1920, ông từng dạy ở Cao Bằng mà sau 60 năm ông không những nhớ tên học trò, mà còn nhớ tên cả họ hàng học trò. Trí nhớ tốt đến thế, ông khổ vì trí nhớ.
Khi ông viết quyển đi thăm đất nước dày 800 trang, ông hoàn toàn không tra cứu gì hết mà chỉ dựa vào trí nhớ. Ông viết 5 quyển sách về Hà Nội, ông moi tư liệu từ đâu ra? Từ đầu mình. Cái đức của ông là đức nhà nho, ông đề cao sự trung hiếu, đức độ đối với mọi người, với đời. Ông nói là vì yêu nước ông làm hướng đạo; vì yêu nước, ông đi dạy học; vì yêu nước, ông đi bộ đội…

Hồng Thanh Quang: Tôi cũng thấy bác Hoàng Đạo Thuý làm công việc gì cũng vui vẻ. Vào quân đội, làm đến Đại tá rồi đi làm giám đốc một trường văn hóa dân tộc mà vẫn vui vẻ đến cuối đời…
KTS Hoàng Đạo Kính: Bố tôi là Đại tá phong lần đầu tiên, từ năm 1948 đấy.

Hồng Thanh Quang: Đối với bác, danh vị không quan trọng nếu mà việc đấy giúp thể hiện lòng yêu nước của mình.
KTS Hoàng Đạo Kính: Ông luôn hết lòng hết sức với công việc… Không bao giờ lạm dụng cái gì, lúc chết vẫn không có tài sản gì trừ tivi 14inch… Khi về hưu, bố tôi đã trả biệt thự cho Nhà nước.

Hồng Thanh Quang: Hồi ấy biệt thự ở đâu?
KTS Hoàng Đạo Kính: Ở 58 đường Điện Biên Phủ.

Hồng Thanh Quang: Không để lại cho các con?
KTS Hoàng Đạo Kính: Không. Những năm cuối đời, ông ở cái nhà lá làng Đại Yên do cha ông để lại. Suốt những năm cuối đời, 16 năm trời, mẹ Hoàng Đạo Kính ngủ trong nhà lá bao giờ cũng dột và 16 năm trời ông bố lúc nào cũng treo tấm nilon trên cái màn.

Hồng Thanh Quang: Không có một lời kêu ca?
KTS Hoàng Đạo Kính: Không bao giờ kêu ca, không nói xấu nhà nước bao giờ, không bất mãn bao giờ. Cụ không muốn phiền con cái, tự trồng rau để ăn… Mà cụ có tới 10 người con! 

Hồng Thanh Quang: Con người hiếm có!
KTS Hoàng Đạo Kính: Trước khi mất một ngày, mùng 4 Tết, cha tôi còn tiếp hơn 50 hướng đạo sinh cũ. Hôm sau, đang ngồi uống cốc sữa do cháu nội pha cho thì cụ từ từ đi. Trên bàn đã có một tờ giấy cụ viết sẵn, nói cảm ơn bà con đã tới viếng, mong mọi người không ai mang phúng viếng cái gì, không cần hoa, không cần phong bì…

Hồng Thanh Quang: Thực sự là một con người hiếm có… Xin cảm ơn ông!

(An ninh Thế giới cuối tháng - 10/2010)