3/5/11

Điểm nhấn Kiến trúc và điểm nhấn Đô thị

Ở Âu châu và các nước có văn minh từ cái gốc ấy, khái niệm điểm nhấn đô thị đi ra từ những kiến trúc, phát triển về chiều cao là chính. Đó có thể là những tháp canh đặt trên tường thành, các tòa thị chính, nhà thờ và những tháp quan sát hỏa hoạn.
                                              
Những kiến trúc kiểu này không chỉ cao và mảnh, mà thường có đường bao đặc sắc, tạo nên những tín hiệu dễ nhớ. Ngoại trừ kiến trúc gỗ ở một vài nước Đông và Bắc Âu (cấu trúc theo lối xếp chồng các thân gỗ, liên kết bởi các mọng góc), thì ở châu Âu những kiến trúc ngự trị không gian bao giờ cũng xây bằng đá, gạch và đắp bằng vôi vữa, nhờ đó chẳng những bền vững mà còn được cấu tạo và trang trí cầu kỳ. Tháp Eiffel ở Paris có lẽ được dựng chủ yếu như một biểu tượng của thành phố và của công nghệ sắt thép đương thời. Nó chế ngự và chốt những không gian mở ra rộng lớn sau những cải cách đô thị bởi kiến trúc sư Haussmann.

Tháp Eiffel ở Paris

Kiến trúc điểm nhấn ở các đô thị hiện đại đa phần được tạo nên bởi những công trình có độ cao vượt trội, trước tiên là tháp truyền hình, sau đó là cao ốc chung cư và văn phòng.

Các tòa tháp truyền hình được xây ở khắp các đô thị đều được thiết kế như những điểm nhấn, mà trong nhiều trường hợp, đã trở thành những biểu tượng thị giác cho chúng. Trong khi đó những cao ốc, những tổ hợp cao ốc, đa phần được thiết kế nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng, bởi vậy có hình hài phản ánh cấu trúc và vật liệu mà chúng được tạo nên. Nhận ra không nhiều những tòa nhà cao tầng có kiến trúc đặc sắc, trở thành những điểm nhấn không gian và thị giác của thành phố. Trong những năm gần đây, nảy sinh xu hướng tạo dựng những công trình kiến trúc thiên về sự chiêm ngưỡng, về kiến trúc kỳ quan, từ đó khái niệm điểm nhấn đô thị trở nên có ý nghĩa đầy đủ hơn.

Ở ta, nhìn vào lịch sử, việc áp đặt khái niệm điểm nhấn kiến trúc, điểm nhấn đô thị, xem chừng khiên cưỡng. Gỗ, vật liệu xây dựng chính, không thể đáp ứng ý muốn xây nhà cao. Độ cao của kiến trúc ở thôn quê và thành thị lại còn bị khống chế bởi những chỉ dụ và những ước định không thành văn. Hai nguyên nhân ấy tiên quyết hình thái kiến trúc cho cả nông thôn và thành thị, thấp tầng và triển khai theo phương vị ngang. Có lẽ, trong kiến trúc cung đình, đã từng có những công trình gỗ với 2 lầu và 12 mái, để tạo sự bề thế cho một quần thể kiến trúc chính thống, hoặc để mở rộng thêm lòng nhà, bởi chỉ với 4 mái thì ắt mái sẽ xà xuống quá thấp, ra vào phải cúi đầu. Hiển lâm các (ở Hoàng thành Huế) khá cao và có 12 mái, vẫn khó có thể gọi là điểm nhấn kiến trúc. Nó chỉ trội lên trong một tổng bố cục gồm những nếp nhà to nhỏ, hài hòa nhờ sự không tách lìa là mấy khỏi mặt đất trên nền cây cối. Tháp chuông ở chùa Keo (Thái Bình) cao 16 m, có thể coi là cao nhất trong kiến trúc chùa gỗ Việt Nam. Tuy thế, nó vẫn không ngự trị như là một điểm nhấn, mà chỉ là sự kết thúc rất chắc, rất logic một quần thể kiến trúc, triển khai vừa chặt mà lại khoan hòa, như mọi sản phẩm kiến trúc cổ truyền Việt. Có lẽ, chỉ các ngôi tháp ở thời Lý (thế kỷ XI - XIII), đã từng có vị trí đặc biệt trong ngôi chùa Phật, ngự trị không những trong không gian chùa mà còn trên không gian núi đồi và ruộng đồng. Sau này, ở chùa Phổ Minh (Nam Định) hoặc chùa Bút Tháp (Bắc Ninh), những ngôi tháp gạch đá thanh mảnh và không quá cao, không có vị trí ngự trị nữa.

Đình làngViệt 


Ở các làng quê Việt, không có những thành phần kiến trúc nào nổi bật về chiều cao. Những cây đa và cây gạo có lẽ là những điểm nhấn tự nhiên, điểm hút thị giác đầu tiên của khung cảnh thôn làng, mà về hình thái không gian đặc trưng bởi cấu trúc khép “đường làng - ngõ - ngách - khuôn viên nhà”, bởi những căn nhà thấp bé lợp mái ngói úp xụp, như một biểu hiện cô đọng của hình ảnh làng - tổ người muôn thuở. Thành thị, có đường có phố, nhưng về hình thái cơ bản không khác gì là mấy thôn quê.

Mãi sau này, người Tây quy hoạch lại một phần các đô thị, mở ra những quảng trường và sân bãi, phần nào giống như ở Âu châu, với những tòa nhà khá đồ sộ như Nhà hát lớn và quảng trường, như Nhà thờ lớn và cái sân khép kiểu đô thị Âu châu thời trung cổ ở Hà Nội, như nhà thờ Đức Bà với không gian bao quanh ở thành phố Hồ Chí Minh. Những nhân tố mới mẻ này cho phép nói rằng ở các đô thị Việt Nam thời cận đại đã hình thành những điểm nhấn đô thị có hình thái đặc trưng.


Từ những đặc thù nêu trên, chúng tôi muốn mở rộng và làm mềm mại thêm khái niệm điểm nhấn đô thị. Ngoài cách hiểu điểm nhấn được tạo nên bằng công trình kiến trúc bề thế và có độ cao vượt trội, có thể đưa ra khái niệm điểm nhấn đô thị với tư cách là một cấu trúc không gian đặc trưng, có sức hút và sức tỏa đặc biệt, được tạo ra bởi vốn liếng kiến trúc cũ hoặc những dấu ấn lịch sử và văn hóa, có vai trò quan trọng trong việc tạo dựng hình ảnh và hồn sắc cho đô thị. Hoặc cũng có thể là những không gian đô thị được thiết lập mới, có quần thể hoặc phức hợp kiến trúc tầm cỡ bao quanh, có sức thu hút cộng đồng trong những hoạt động đa dạng, trở thành không những trung tâm điểm trong đô thị mà còn là điểm đến cho người dân và cho người vãng lai.

Cả hai thể loại điểm nhấn đô thị này đang cần chú trọng kiến tạo trong các đô thị hiện nay. Ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Nha Trang, Hải Phòng... đã xuất hiện vô số những cao ốc, ngày càng có vị trí hầu như áp đảo và khử triệt hình thái cảnh quan đô thị vốn có, nếu chỉ nhìn vào độ cao hoặc vào hình khối mà chúng tạo ra. Hầu hết những cao ốc ấy hoặc có kiến trúc nghèo nàn về tính biểu hiện, dập khuôn hình ảnh cao ốc quốc tế những thập niên đã qua, có diện mà không có mạo, một sự nhân giống vô tính. Chúng được sắp đặt trong không gian đô thị chủ yếu xuất phát từ những tiêu chí: mảnh đất có sẵn, mảnh đất sinh lời... Hãn hữu mới từ những bài tính không gian đô thị. Càng hãn hữu, xuất phát từ ý tưởng tạo ra điểm nhấn thị giác cho thành phố. Đà Nẵng là nơi có nhiều những không gian và chân trời rộng mở, tuy vậy vài chục cao ốc xây dựng dọc sông Hàn, rải rác ở trung tâm thành phố và Mỹ Khê, không có những nét đặc biệt về hình khối và mặt đứng, hầu như không đóng góp gì đáng kể cho tổng cảnh quan thành phố. Dãy nhà cao tầng dọc bờ biển Nha Trang, có điều kiện dễ dàng hơn cả để tạo nên dấu ấn kiến trúc đô thị cảnh quan, lại đang lấp kín diện và tuyến đường đẹp nhất thành phố này bởi một thứ ngôn ngữ chung chung, không bộc lộ rõ địa chỉ. Ở Hà Nội, tại khu trung tâm, nơi có quỹ kiến trúc cũ ràng buộc kiến trúc sư và tại khu Mỹ Đình, hoàn toàn tự do cho sáng tác, không thấy những cao ốc thể hiện sự tìm tòi đặc biệt. Hà Nội, mảnh dẻ về thân xác, dường như đang bị hàng trăm cái cọc bê tông - buildings đóng đinh vào. Ở thành phố Hồ Chí Minh, may thay, đã dựng lên khá nhiều cao ốc, chẳng những hiện đại về ngôn ngữ, mà ít nhiều dễ nhớ. Siêu cao ốc Bitexco tạo ra sự bứt phá, song lại có thể bị nhìn nhận trái ngược.

Không gian xanh xung quanh hồ Hoàn Kiếm như một điểm nhấn của Thủ đô (Ảnh: Phương An / Hà Nội Mới) 

Nếu điểm nhấn đô thị tạo nên bởi sự bề thế và độ cao nổi trội, mang lại hiệu quả về thị giác, thì điểm nhấn đô thị tạo nên bởi cấu trúc không gian đặc trưng mang lại những cảm thụ sâu hơn về mỗi đô thị, về hồn cốt của nó. Chẳng hạn, phức hợp không gian hết sức đặc trưng và quý giá của Hà Nội, khởi đầu từ Nhà Hát Lớn - Quảng trường Cách mạng tháng 8 - đường Tràng Tiền, nối sang tòa nhà Ngân hàng - vườn hoa Con Cóc - quảng trường - vườn hoa Chí Linh, rồi hòa vào hồ Hoàn Kiếm, chính là một dạng điểm nhấn đô thị đặc thù và duy nhất của Hà Nội thời cận đại. Đó là một không gian định hình, song lại uyển chuyển, là điểm nhấn - dấu ấn của một thành phố lan tỏa, không định hình cứng. Điểm nhấn, mà sự hiện hữu của kiến trúc không quá nhấn, điểm nhấn nhận ra khi ta chuyển động trong đó, trong một dòng chảy của những không gian nối tiếp và những cảm giác không đứt đoạn. Đối với điểm nhấn tinh tế này, cái phải thực hiện là sự chỉnh trang nương nhẹ, bằng cách loại bỏ những gì không tương xứng, bằng sự bổ sung những gì nhất thiết. Với không gian Nhà thờ lớn Hà Nội - điểm nhấn vi mô trong cấu trúc phố thị vi mô hóa, việc kiện toàn và nâng cấp cũng là một đòi hỏi, mà hễ đáp ứng được, sẽ góp phần nâng cao giá trị cho quỹ kiến trúc cũ của trung tâm Hà thành. Ở TP.Hồ Chí Minh, cũng có một trung tâm - điểm nhấn đô thị quý giá đặc biệt, đó là khu vực Dinh Thống Nhất - vườn hoa - nhà thờ Đức Bà - sân trước, còn lưu dáng dấp xa xăm của đô thị Âu châu. Đó là một cấu trúc điểm nhấn văn hóa - lịch sử - kiến trúc đô thị gắn bó hữu cơ, nơi công trình - cây xanh - không gian và sự chuyển hóa mềm tạo ra một thành phần, vừa nhất thiết và vừa tinh túy, của một đô thị chuyển động năng nổ.

Hình như ở các khu đô thị mới, ở các đô thị trẻ, ngay cả ở các đồ án quy hoạch, vẫn thiếu khuyết những sự xác định “điểm huyệt” để cấy đặt vào đó những công trình có đủ sức trấn giữ không gian, có đủ sức cầm trịch cho kiến trúc thành phố và góp phần tạo nên sắc thái riêng cho nó. Hình như chúng ta đang đam mê mở ra những đại lộ cực rộng và cực sáng về ban đêm ở mọi đô thị to nhỏ, những trục đường mà hầu như bao giờ cũng tắc cụt ở nơi đô thị cũ, có hệ quy hoạch và hệ tỷ lệ xích hoàn toàn khác. Và cũng hình như chúng ta đang thiên về quan niệm: hễ muốn đô thị hiện đại thì phải xây cho được vài cái buildings cao tầng.

Nhà cao chắc gì đã sang. Đô thị thấp tầng chắc gì đã hèn.

Nên chăng, các đô thị ở ta, cỡ vừa và nhỏ, chọn hình thái phát triển theo phương vị ngang. Những đô thị ấy, quy hoạch cho khéo, dùng đất kiệm, nể nang thế đất và địa hình, coi trọng cỏ cây và mặt nước, - sẽ không chỉ là những sản phẩm kiến tạo đô thị sinh thái - nhân văn, mà sẽ còn là nơi chốn để sống dễ chịu và hễ đi xa thì nhớ, chẳng cần phải có những điểm nhấn đô thị.

Điểm nhấn đô thị, đối với thực tiễn kiến trúc Việt Nam và tâm thức người Việt, nên chăng có những cách hiểu mềm mại hơn. Từ đó, tuy chậm chân, ta vẫn có cơ may tạo ra những sản phẩm đô thị đặc sắc của mình. Đô thị yên bình.

GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính

26/1/11

Quen và Lạ, Cũ và Mới

Quen lâu, thành thói quen. Sống như đã và làm như đã. Thói quen chung của dân làng, của người phố, lâu rồi thành tập quán. Làng xưa, phố cũ, đều có tập quán, nhiều ít khác nhau. Tập quán, tinh thể hoá, thành truyền thống. Truyền thống là quỹ gien của xã hội, của giống nòi. Truyền thống có lực tiếp nối và cả lực kìm hãm. Hễ thời đại chững bước, sự tiến hoá đảo ngược, truyền thống ỷ lại vào tập quán, tập quán ỷ lại vào thói quen. Cái cũ dằng co với cái mới.

Đời có sự quen, đời có sự lạ. Quen và lạ, mới và cũ, phủ định và cộng sinh. Lạ thành quen. Mới thành cũ. Nay, do thời gian thúc bách thời đại hoặc ngược lại mà khoảng cách giữa quen và lạ, giữa mới và cũ, trở nên ngắn ngủi. Cái mới, cái lạ này chưa kịp tiêu hoá, thì những cái khác lại ập tới.
Hệt Hamlet, ta căn vặn mình: Sống gấp gáp hay sống chậm chãi?
... “Hít - thở, hít thở”, nghe vang vọng từ đâu đây, mà lòng thảng thốt.


Đình làngViệt (nguồn: Ashui.com)

Ngẫm về chuỗi quen và lạ, mới và cũ, tự nhiên nghĩ ngay tới cái bao tử và cái nhà. Một trong ta. Một quanh ta, cận kề hơn cả. Bao tử tiếp nhận cái mới và cái lạ ra sao, cơ thể ta cảm nhận hoặc phản ứng tức thì. Hễ không tức thì, lúc nhận ra, có thể đã muộn.

Cái nhà, nơi ta ngụ và sống, có những hệ mạch riêng trong sự tiếp nhận, phản ứng và chuyển hoá những cái mới và cái lạ của thời đại. Nếp nhà Việt muôn thưở là sản phẩm của xã hội nông nghiệp và phong kiến nghìn năm, của nền kinh tế chuyển đổi chậm chạp hơn nhiều so với những biến đổi xã hội ở thời cận và hiện đại; của hình thái cộng cư làng và phố; của mô hình tự cung tự cấp và cuộc sống sinh thái khép; của nền xây dựng dựa vào chất liệu có nguồn gốc hữu cơ; của những chủ nhân là tiểu nông, tiểu thương và tiểu chủ.

Những ai đang sống trong những căn nhà cổ truyền ấy, đa phần mong ước có những ngôi nhà tân thời. Còn những ai đã thoát ly, nhiều người lại hoài nhớ nếp nhà xưa trong làn sương màu xanh lơ - hồng – tím. Nơi không có ta, thường là hay ho hơn.

Sự tiếp nhận, chuyển hoá và “ta” hoá những cái mới lạ, tân tiến chính là bản chất của quá trình hiện đại hoá không gian và chất lượng sống của chúng ta ngày nay. Hiện đại hoá môi trường ăn ở cũng đặt ra vô số những điều để ta tiếp thụ và cân nhắc, bởi cái tâm thức nghìn năm vẫn hiển hiện trong ta. Và bởi, ngược lại, đắm đuối cái Mới, ta dễ quên mất mình.

Cách đây hơn trăm năm, ông tổ của thương hiệu Hilton, do sự lười nhác của bản thân mà chăm lo cho sự tiện lợi tối đa,  - nằm trên giường, ngồi cạnh bàn, chỉ với tay là đụng tới cái mình cần. Ông áp dụng cho các khách sạn, làm cho Hilton đồng nghĩa với tiện lợi; nâng cao thành tiện nghi. Thời nay, tiện nghi được đảm bảo trước tiên bằng máy móc. Căn nhà của ta trở thành nơi diễn ra 2 sự chuyển động, của chủ nhân và của thiết bị. Bấm nút, vặn nút trở thành hoạt động quen tay trong căn nhà - cỗ máy. Tiện nghi cao hơn, máy móc nhiều và hoàn hảo hơn, song nỗi khát tiện nghi không hề thuyên giảm.

Đã ai suy ngẫm, đã ai phân tích mối quan hệ, không chút một chiều, giữa cái quạt nan và cái quạt máy, giữa làn gió mát Trời cho và sự mát bởi điện năng? Đã ai ngẫm và suy về bản thể “bio” và “physyo” của mình, về chặng đường dài lâu từ homo sapiens đến con người của nghìn năm văn minh kinh điển, đến con người hi-tech hôm nay?

Có vẻ như, quen và ỷ lại vào công nghệ, ta biến cái nhà vốn dĩ hữu cơ thành cái “hộp” để sống, không mấy liên quan đến địa điểm, hướng nhà, hướng gió .... Không mấy liên quan đến cái bản năng gốc, đến tâm thức quán tính, đến cái việc ta là ai. Sinh thái hoá kiến trúc nên chăng bắt đầu từ “hữu cơ hoá” không gian sống và lối sống hiện đại, khôi phục những mối liên quan tinh tế và nhũn nhặn của con người với Tự nhiên, thiết lập trở lại sự cân bằng giữa cuộc sống “physyo” của con người với phương tiện. Đi nhanh về phía trước, vẫn nên ngoái lại, bởi quen và lạ, cũ và mới, chính là sự tự cân bằng cài đặt cho cuộc sống.

Về phương diện chất liệu, vật chất, cái nhà – sản phẩm do con người kiến tạo, không khác xa gì cho lắm cái tổ chim. Muôn thưở cái nhà dựng lên từ cỏ cây là chính, - nó thở, y hệt lá phổi hô hấp vậy. Phải mất hàng trăm năm, nhân loại mới tạo tác ra viên gạch, vật liệu vô cơ đầu tiên dùng cho việc xây cất. Song chỉ cần không đến một trăm năm, nhân loại đã tạo ra vô vàn những vật liệu thay thế và vật liệu mới. Là sản phẩm của công nghệ, những vật liệu ấy hẳn ưu việt hơn, song đó lại là những vật liệu chết, nếu hiểu từ góc độ hô hấp. Kính - nhựa tổng hợp – composite, đa năng và tiện lợi đến mức ta dụng mà khỏi cần đắn đo, vô cơ hoá căn nhà ta ở. Chúng góp phần làm cho sự “hộp hoá” không gian sống.

Sinh thái hoá kiến trúc, từ trong ra, phải chăng là sự khôi phục, trong chừng mực có thể, vai trò của những vật liệu hữu cơ, vật liệu thở, sự giảm thiểu vật liệu vô cảm.

Mua áo quần, ai ai cũng hỏi, có phải cotton không. Cái nhà không phải áo quần, song nó cũng phải phần nào tương tự, nó cũng cần thở để ta thở. 

Nhân đây  xuất hiện câu hỏi, bởi sao ta quên hẳn đi bức tường chịu lực xây gạch ở những căn nhà thấp tầng. Bởi sao ta lãng quên cái đẹp, cái tự nhiên của sự thô mộc. Ông cha mình, có lẽ chẳng vì nghèo hèn mà cứ để gỗ, để tường chỏ ra như vậy.

Thời nay, có nhà mới và có tiền, chỉ cần chọn cửa hàng bán đồ gia dụng và thuê chuyến xe, là có đủ cái gì mình cần, mình cho là đẹp. Tiện và đẹp như thiết kế. Thiết kế chỉ có thể tạo ra trật tự, vẻ đẹp và sự tiện lợi. Nó không thể tạo ra cái chuỗi cuộc sống – dòng  chảy liên tục cho ta và cho gia đình ta. Hơn nơi nào khác, trong nhà và với đồ dùng, ta cần đến sự thân quen, sự sử dụng tiếp tục. Những gì ta giữa lại bởi còn có ích, giữ lại chỉ bởi là kỷ niệm, giúp ta duy trì hơi thở, trong trường hợp này, là hơi thở của Thời gian. Dưới mái nhà, đồ dùng vô hình tạo ra sự cân bằng tự nhiên giữa cái quen với cái lạ, giữa cái cũ với cái mới. Cái cũ, trước khi đem vứt đi, hãy níu lại, nghĩ đã. 

Trong dòng suy ngẫm, bỗng dưng liên tưởng tới những khu đô thị mới, tưởng như có dư mọi tiện nghi và đẳng cấp. Ấy vậy, ta vẫn thấy thiếu những cái gì đó nhiều lắm, thiếu mọi lúc và trong mọi trường hợp. Bởi thế mà ngày ngày ta đạp xe về nơi chốn cũ, xa, chật, ồn, để kiếm cái quán phở quán bún, quán cà phê quen, bà thợ may anh thợ cúp tóc quen, những người hàng  xóm quen .... Cái sự quen, cái thói quen cũ không chỉ cần dưới mái nhà mình, cần cũng vậy cho con phố, cho đô thị. Xóm, không chỉ là một cấu trúc làng - phố phi hành chính, mà còn là một cấu trúc giao lưu - gắn kết, một  tế bào cộng đồng dân ta ở thôn quên, ở thành thị. Ta không quy hoạch xóm, mà dân cư sớm muộn cũng hình thành xóm. Phải chăng xóm là một trong những biểu hiện sâu thẳm của bản sắc người Việt mình, khi chung sống? Và, để gắn kết đô thị và đời sống đô thị, trong một thể khăng khít, nên chăng bắc những chiếc cầu nối cũ và mới. Chẳng hạn, ở những khu đô thị mới ta xây dựng những đoạn phố, con phố đường nhỏ hẹp, đi bộ, nhà thấp tầng, với những dãy nhà cửa hàng và tiệm ăn, lâu thành quen, như thể phở ông Bằng, bún bà Hiền ... sống xa hoa - lững thững.

Quen và lạ, cũ và mới, câu chuyện của cuộc sống hôm nay và mãi mãi mai sau. Quen và lạ, cũ và mới, câu chuyện của nếp nhà ta vẽ, ta ở./. 

GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính 

19/1/11

Phố trong tiến hóa Đô thị

1

Văn minh cộng cư tiến hoá theo chuỗi: Làng - phố - đô thị - siêu đô thị, thời nay. Tuỳ thuộc bởi sự chuyển động của xã hội, sự đột biến trong phát triển, mà khoảng cách giữa chặng này và chặng khác, từ làng đến đô thị, có thể dài hoặc ngắn, có thể nảy sinh những quá độ.
Trong lịch sử phát triển đô thị Việt Nam, chặng đường từ làng đến thị, đặc biệt kéo dài. Phố, cấu trúc chuyển tiếp giữa hai thiết chế ấy, có vai trò sâu sa trong sự định hình những đặc trưng văn hoá thị thành Việt.

Phố ra đời tiếp theo những thành luỹ, thủ phủ, chợ và bến. Phố, ăn theo thành luỹ và trung tâm cai trị, thường ít nhiều quy củ. Tồn tại bên cạnh những cấu trúc quyền lực ấy, phố dần dà biến thành phố thị, hút người – hút của – hút tinh tuý từ các chốn làng quê. Kẻ chợ ở kinh thành Thăng Long vốn là cái nơi chốn, duy nhất như thế trong nhiều thế kỷ . Hầu hết phố ra đời cùng hoặc sau khi chợ ra đời. Chợ - phố, phố - chợ, cộng sinh, tạo ra những phức hợp cộng cư đặc trưng, khác thôn quê, song còn lâu mới trở thành thành thị. Xưa kia, nói đến chợ nào là ám chỉ phố nấy và phố nào là chợ nấy. Bến là nơi thuyền đậu, hàng hoá chở về và đem đi. Có bến ắt có phố. Bến - phố, cảng - phố, tuềnh toàng và lam lũ, song lại là nơi cái sự chuyển động, cái sự va chạm dễ đem lại tiền bạc. Người trú ngụ hoặc vãng lai dễ bề phát tài.
Thời xưa, phát tài không đồng nghĩa với phát sang, lắm kẻ sang, mà đâu có phát tài.

2

Phố, dù tồn tại hàng trăm năm trên một mảnh đất, về cấu trúc không gian, về kiến trúc, luôn đơn sơ. Thoạt đầu là hai dãy nhà liền kề trên một đoạn đường. Dần dà nối dài ra. Dài quá, thì dựng thêm những dãy phố phía sau. Sự co cụm dễ làm ăn và dễ nương tựa. Hai dãy phố, thông ngang sang nhau cho tiện liên hệ, tạo nên con ngõ. Ngõ chỉ là lối đi, không có mặt.
Nhà phố bao giờ cũng có mặt bằng hình chữ nhật. Mặt ngắn, dăm ba thước, quay ra đường, lấy chỗ ra vào và làm ăn, hãn hữu để khoe giàu khoe sang, một cách nhũn nhặn. Sau nhà dành chỗ cho bếp núc, cho những gì cần sự khuất mắt và, hầu như ở mọi nhà, dành ra mảnh đất, hẹp thì trồng rau, rộng thì đào ao thả cá. Người phố xưa, dù làm quan, dù làm nghề gõ đầu trẻ con, dù buôn bán phát đạt, ai ai cũng phải tính chuyện tự cung tự cấp một phần. Có thể do thói quen từ chốn quê. Đúng hơn, do chẳng mấy ai đủ ăn, nếu chỉ làm một nghề. Ngay cả làm quan.
Nghe kể, hay tin Hoàng Diệu tuẫn tiết, người vợ ngã sấp mặt xuống ruộng.

Cái nhà mặt phố, nhà hàng phố cổ truyền làm bằng gỗ và tre, vách đất, kha khá hơn thì xây tường gạch, lợp lá cọ hoặc rơm rạ, hầu hết một tầng, họa hoằn cơi gác xép, chưa hẳn là lầu. Mặt trước mở lối đi lại và một ô cửa khá rộng, mở và đóng bởi những tấm ván dựng đứng, có đánh dấu cho tiện tháo ghép. Là ô cửa, khép lại là chính. Lối sống, phố, ở sát kề và đối mặt nhau, hễ biết giấu giếm, là khéo ăn khéo ở. Thói quen khép mình trong sự cộng cư, cộng sinh với muôn vàn những lệ và ước lệ, tạo cho lắm người sở hữu những con mắt, y hệt ô cửa nhà phố, chỉ nhìn ra khi cần, đảo vào trong là chính. Diện mạo từng căn nhà, từng con phố, hầu như không khác nhau là mấy. Cũng theo cách nghĩ cố đế nói trên, chủ nhân e ngại trưng mình, lấy sự giông giống thiên hạ làm cái cốt cho sự chung sống. 
Đó là chỗ khác biệt giữa dân phố, xưa và nay. Đó là sự lý giải phần nào cái thói ghen ghét ai nổi, ai hơn mình.
Cho đến cuối thế kỷ 19, đường phố ngay cả ở Hà Nội, chưa lát gạch và đá, chưa phủ lớp nhựa đường. Vỉa hè cũng chưa thấy có. Nhà chưa có tầng lầu, đa phần thấp lè tè, không ít là nhà tranh vách đất. Đọc lưu trữ Pháp, thấy quan đốc lý thời ấy ra văn thư, cấm tuyệt việc làm nhà lá, e hỏa hoạn. Ấy thế, cấm đoán dân phố chẳng dễ gì, cho đến những năm 50 thế kỷ trước, vẫn còn thấy những mái nhà lá. Kiểu nhà gạch mái ngói, hai hoặc họa hoằn ba tầng, chỉ phổ biến từ sát cuối thế kỷ 19 và thịnh hành ở nửa đầu thế kỷ 20. Chẳng hiểu vì sao, có những nhà bảo tồn nhiệt thành lại quy chúng vào diện cổ. Cha mẹ tôi, sinh ra cùng thời, không rõ nghĩ sao. Gần đây anh em kiến trúc sư, sử dụng thành thạo công nghệ 3D, phỏng dựng hình dạng phố xưa Hà thành, quy củ và khang trang, như thiết kế. Sản phẩm, đi ra từ hoài cổ và từ thành tựu của hi-tech, mang lại cho ta những cảm xúc phấn khích cùng sự ngờ ngợ: có phải thế chăng? Dĩ vãng, dù căn cứ hóa tối đa bởi chứng cứ phi vật thể và vật thể, vẫn là ảo, phủ lấp trong màn sương màu xanh lơ – hồng tím, nhạt nhòa.

Chưa có đủ tư liệu, để nói rằng ở ta thời xa xưa đã tồn tại nhiều những phố và phố thị, dạng Vân Đồn, Phố Hiến, Phai Phô, Chợ Lớn … Song, chắc chắn, ở đầu thế kỷ 19, vua Minh Mạng, nhà hoạch định lãnh thổ hành chính và đô thị kiệt xuất trong lịch sử nước ta, đã khai sinh hàng chục thủ phủ của những đơn vị tỉnh do Ông phân định. Cùng với đó là sự ra đời tiếp theo những cái phố, định hình khá mau lẹ và tạo nên những cái tạm gọi là cốt cách riêng. Phố Sơn Tây (các cụ gọi là phố Sơn), phố Bắc Ninh, phố Tuyên Quang (các cụ gọi là phố Tuyên), phố Lạng Sơn, phố Nam Định, phố Hải Dương, phố Đồng Hới … Thủ phủ nào cũng xây thành lũy và đi kèm là phố. Ở Sơn Tây, ở Nam Định, Bắc Ninh, Hải Dương, Quảng Yên, Đồng Hới, Quảng Trị .. vẫn còn khá nguyên vẹn dấu vết. Người Pháp, từ nửa sau thế kỷ 19 và nhất là ở phần đầu thế kỷ 20, đã cho ra đời những cấu trúc ban đầu của đô thị sau này, như Hải Phòng, Lào Cai, Touran-Đà Nẵng, Nha Trang, Vũng Tàu, Mỹ Tho, Cần Thơ, Long Xuyên, Rạch Giá … Trong một quãng thời gian khá dài, chúng vẫn tiếp tục là những cái phố. Dù mình mẩy đô thị Tây đã hiện diện, nhiều trường hợp tưởng như trọn vẹn, song cốt và hồn phố ta, bền và dai, vẫn còn khả năng “ta hóa” cái mẫu ngoại, đi ra từ sự sắp xếp, sự toan tính theo quy hoạch sơ đồ hóa. 
Sức sống và cái riêng, không dễ lẫn lộn, của đô thị Việt Nam, ngay cả của Sài Gòn thời nay, chính là ở đấy.

3

Trong lịch sử, phố không tạo nên những quỹ vật chất đáng kể. Ngay cả ở Thăng Long – Hà Nội, ở kinh đô Huế. Phố hầu như không tạo nên quỹ vật chất công cộng. Phố, về bản chất, là sự tập hợp tự phát những sở hữu đơn lẻ, ít gắn bó với nhau như thiết chế làng. Phố, duy trì và mở mang hầu như tự phát, cho nên cũng dễ hiểu, chưa thể tạo nên những giá trị đáng kể về kiến trúc và thẩm mỹ.
Vai trò của phố chính là ở chỗ nó góp phần chuyển hóa xã hội, tuy hết sức chậm chãi và không dễ nhận ra, từ chế độ phong kiến nghìn năm sang giai đoạn nảy sinh và định hình những quan hệ kinh tế thị trường sơ khai. Nó thúc đẩy dòng chảy xã hội, khắc phục ở chừng mực có thể sự trì trệ của thiết chế làng, dễ bị đánh đồng với sự bền vững. Phố góp phần biến đổi xã hội từ bản chất, từ trong ra, bằng sự gia tăng tốc độ biến chuyển và bằng sự đa dạng hóa, phố tạo ra động lực cho xã hội. Tuy nhiên, nên hiểu tính hạn chế của thuật ngữ này, bởi phố Việt là sản phẩm của sự tiến hóa, luôn kèm theo lực quán tính của xã hội Phương Đông.

Nói đến phố là nói đến hàng hóa, lưu thông hàng hóa, cửa hiệu và, đương nhiên, là chợ. Phố chưa xuất hiện, thì chưa thể có sự thu gom, tập trung, sàng lọc, trao đổi, lưu thông hàng hóa ở phạm vi lãnh thổ rộng lớn hơn là vài ba thôn làng, sự nâng cao chất lượng và đa dạng hóa hàng hóa, dần dà dẫn tới chuyên canh và chuyên sản. Với sự ra đời những con phố, nền kinh tế tự cung tự cấp, mô hình sống “sinh học – sinh thái” khép kín trong khuôn khổ mỗi gia đình và mỗi thôn làng, hé mở dần. Lưu thông hàng hóa, tất yếu, dẫn tới lưu thông hành vi và sự thông thoáng hơn trong tư duy.
Phố, với thị trường, xúc tác sản xuất hàng hóa ở thôn quê, tranh thủ nguyên liệu tại chỗ và thời gian nhàn dỗi giữa các thời vụ. Nhu cầu xã hội nhiều và cao hơn, phố trở thành nơi tập hợp những tay nghề và ngón nghề từ khắp nơi, ban đầu là sản xuất nhỏ lẻ, rồi hợp thành hiệp và thành phường.
Thành những phố chuyên sản, chuyên một mặt hàng.
Hàng hóa, lưu thông trong vòng cung – cầu, biến phố thành địa bàn của cạnh tranh. Cạnh tranh giữa hàng với hàng; giữa người sản xuất, người cung cấp và người phân phối. Cạnh tranh giữa tiệm này và tiệm khác, phố này và phố khác. Cạnh tranh trong sự cải tiến và nâng cấp mặt hàng, đào luyện người thợ, người bán và người buôn. Rốt cuộc, phố trở thành cơ thể sôi động, bề ngoài và ngấm ngầm, tạo ra những chuẩn mực mới, những thước đo mới về đồng tiền, giàu – nghèo, hèn – sang … Cùng với cạnh tranh, xuất hiện tự nhiên yếu tố thương hiệu. Thoạt đầu là hàng tốt hơn, nơi làm hàng tốt hơn, rồi tiệm và rồi phố bán hàng có tín nhiệm … Không quản ngại đường xá, người cần hàng tốt, người sành điệu, tìm tới. Phố xưa, khá giả lên chính từ sức cạnh tranh bền bỉ, đơm trái bởi thương hiệu. Thương hiệu chẳng to tát là bao, truyền khẩu là chính. Thương hiệu, không cần đến biển quảng cáo rõ to treo trên mặt nhà. Nhiều con phố Hà thành, mệnh danh bằng tên một mặt hàng, chính là sự tự xưng bởi thương hiệu.

Người làng chung sống bởi nghề ruộng, bởi quan niệm cố hữu về nơi chôn nhau cắt rốn, bởi những quan hệ huyết thống, bởi hương ước và bởi hàng trăm thứ ràng buộc bất thành văn. Người phố, hội tụ từ tứ phương, chung sống bằng sự quen biết trong làm ăn, bằng sự ngó nhìn sang nhau mà ứng xử, lâu la thành cách và thành nếp sống chung, thành tập quán và, cao hơn, thành văn hóa sống nơi thị thành. Phố quần tụ, nhào trộn, dung hòa, tinh lọc và kết tinh khuôn mẫu người thị thành, hết sức đặc trưng của cộng đồng phố Việt. Nét đặc trưng ấy tạo nên bởi sự khác biệt chưa hẳn rõ rệt, bởi khoảng cách chưa xa, giữa làng và phố. Xã hội nông nghiệp vốn hầu như toàn phần; quan hệ hàng hóa tư bản chủ nghĩa sơ khai và lại hình thành muộn mằn, không thể đẩy nhanh thiết chế phố về phía đô thị, đúng với nghĩa của nó. Là người phố, người thành thị mà một chân vẫn đặt ở quê, theo nghĩa đen, duy trì phần nào lối nghĩ và cung cách hành xử một nửa từ quê. Chuỗi chuyển hóa: người quê thoát ly – người chạy chợ - người làm hàng – người đứng hiệu – người làm công – người làm thầy và làm trí thức … luôn luôn diễn ra ở khắp các chốn thị thành lớn nhỏ, cho đến tận nay.
Với những đặc điểm như thế, phố chưa thể góp phần mạnh mẽ vào sự phân tầng và đẳng cấp hóa xã hội, cả về phương diện sở hữu quyền quý lẫn học thức. Ở nửa đầu thế kỷ trước, dưới ảnh hưởng của Pháp, xuất hiện tầng lớp dân phố kiểu mới, - tiểu tư sản. Họ không chỉ là những chủ sở hữu nhỏ, họ còn là những người ít nhiều có Tây học, hấp thụ nhạy bén văn hóa và lối sống Tây. Họ góp phần tạo nên cuộc hội nhập quốc tế đầu tiên ở ta, với tiểu thuyết và thơ mới, với âm nhạc, hội họa và sân khấu, với các phong trào cách tân và thanh niên, với cách sống và cách hưởng thụ, kết hợp khá tự nhiên Tây – Ta. Phố Việt cổ truyền biến đổi nhanh, có thêm những sắc thái mới mẻ. Nền sản xuất nhỏ và nền thương mại nhỏ, ở Hà Nội và Sài Gòn, mau lẹ mở rộng ra, xuất hiện những nhà tư sản, những nhà kỹ-thương đầu tiên. Những hoàn cảnh lịch sử đặc biệt đã làm ngưng đọng quá trình này. Đó là một phần lý do của sự lưu tồn khu phố cổ Hà Nội, hầu như nguyên vẹn về thể xác, cho đến thời Đổi mới.
Nói đến phố trong công cuộc đô thị hóa ở nước ta, không thể và không nên tách lìa quỹ vật chất, quỹ kiến trúc đô thị ra khỏi “tòa kiến trúc” xã hội, cả hai thành tố cứng – mềm đan quện trong một cơ thể xưa cũ và mảnh dẻ, - phố.
Kiến trúc thành thị Việt là kiến trúc phố.
Người thành thị Việt là người phố.
Kiến trúc phố xưa và kiến trúc đô thị nay được xây dựng chủ yếu bởi tư duy Người phố, như thể “3 trong 1”, - tiểu nông, tiểu thương, tiểu chủ. Vài chục năm nay hình thành tầng lớp dân phố đặc trưng, - tầng lớp cán bộ. Bị tư duy thời bao cấp chi phối, họ vẫn không đứng ngoài cái công thức “3 trong 1” ấy, chưa suy xuyển ngay cả hôm nay.

4

Kiến trúc sư Võ Thành Lân, sâu và sắc, nhận diện 2 sản phẩm đầu ra của các đô thị Việt Nam thời kỳ quá độ: Nhà chia lô và xe máy.
Xe máy vào cuộc ồ ạt do xe đạp không còn thích hợp và xe hơi thì chưa với tới. Xe máy tạo nên vấn nạn giao thông và vấn nạn môi trường. Song nó chỉ là quá độ, không thể trở thành ứ tồn đô thị.
Nhà chia lô lại khác.
Nhà chia lô xây dựng ồ ạt sau sự bãi bỏ chính sách không tưởng về bao cấp nhà ở và người thành phố có được những điều kiện để sở hữu có nhà riêng: quyền làm chủ một lô đất trên phố, quyền tự lực xây cất, khả năng về tài chính, thị trường vật liệu và thiết bị. Nhà chia lô được người dân chọn như mô hình cư trú phù hợp hơn cả, bởi nó vừa dùng để ở, vừa để mở cửa tiệm, dịch vụ, cho thuê. Nó thành nguồn thu nhập chính hoặc phụ cho những người làm công ăn lương. Vẫn như nhà phố thời xưa, nó sinh lời. Đó là nguyên nhân đầu tiên và quyết định sự trở lại với mô hình nhà ống mặt phố cũ kỹ. Nó là sự hiện thân tuyệt vời của tư duy linh hoạt, tư duy thiết thực của dân phố thị Việt, một sản phẩm duy nhất có thể từ những điều kiện kinh tế - xã hội vô cùng hạn hẹp, từ sự tự đáp ứng nhu cầu bức bách về chỗ ở và từ một chủ định thỏa hiệp, mang bản chất nhân văn, của phía những nhà chức trách. Tuyệt nhiên, sự ưu tiên mô hình nhà chia lô không chỉ xuất phát từ thói quen hoặc sự lạc hậu về kiến thức xây dựng đô thị, điều mà giới kiến trúc chuyên nghiệp phê phán.

Hội An 
Ở các cấu trúc cộng cư dạng đô thị và dạng đô thị hóa hiện nay, nhận rõ: Ở tầm vi mô, đang tiếp tục thịnh hành nhà chia lô mặt phố - cửa hàng, những cơ sở dịch vụ kinh doanh nhỏ lẻ. Hình thành trở lại mô hình phố - thương mại, phố chuyên doanh; duy dưỡng những mối quan hệ “lối xóm” xưa cũ mà không phụ thuộc bởi một đơn vị hành chính. Ở tầm vĩ mô, đang diễn ra, ngoài và vượt qua mọi chủ định quy hoạch, hiện tượng “phố hoá” các con đường, các trục đường lớn, ngay cả các xóm làng, phát triển mà thiếu sự chỉ dẫn. Từ cả hai tầm “vi” và “vĩ” ấy, các đô thị ở ta, đang trở nên hiện đại hơn, mà vẫn chưa thoát khỏi cái phức hợp tế bào – “phố”. Đó là bản chất, là đặc thù, mà nhà quy hoạch, nhà chính sách và nhà quản lý phải tính tới, tính tới một cách thấu triệt, có thể hơn thế nữa, một cách cầu thị. Như thể với thiên nhiên, với trời đất vậy.
Quy hoạch đô thị,  bởi thế, không thể là sự “hoạch” và sự “định” đơn thuần. Quy hoạch chỉ thật sự có tác dụng và có sức sống, khi nó chứa đựng trong mình và khi nó xuất phát từ những yếu tố “mềm”, như sự khơi dòng cho cái “có” chảy vào cái “chưa”, như sự điều tiết và điều hoà, nối kết và hoà đồng những sản phẩm lịch sử và sản phẩm văn hoá đô thị, cấu thành một thể, - đô thị mới. Đô thị tiến hoá, song thường không chỉ tiến, mà còn chững, còn ngoái. Xu hướng “phố hoá”, đi ngược hiện đại hoá, chính là sự “ngoái lại”, nảy sinh bởi hoàn cảnh. Nó tạo ra giai đoạn “đệm”, sự chuyển hoá mềm. Trong trường hợp này, tiến hoá đô thị chỉ đi được một bước rất ngắn, song tuần tự, bởi hợp với tự nhiên.
Cùng với hiện đại hoá và toàn cầu hoá, đô thị hoá ở ta đang đi những bước dài và nhanh tột bậc. Hà Nội, mở rộng theo quyết định hành chính và theo quy hoạch, thành phố Hồ Chí Minh, bành trướng lãnh thổ do sự bùng nổ không gian kinh tế, đang tạo ra những khoảng cách xa vời giữa những cấu trúc thôn làng, phố phường, và những mũi nhọn bứt phá của thời đại, không chấp thuận sự ngoảnh ngoái nào. Chúng ta chẳng những đứng trước nguy cơ tan vỡ những “tổ người” - cấu trúc cộng cư truyền thống, trước nguy cơ chúng bị bật khỏi gốc và bứt khỏi rễ. Chúng ta sẽ phải đối mặt với vô vàn những vòi bạch tuộc của mô hình đô thị, sản sinh những mâu thuẫn đối kháng và những căn bệnh nan y.

Xử sự thế nào đây?
Lối ra, có lẽ, ở sự chủ động tạo ra những hình thái, những cơ chế “chuyển hoá mềm”.
Quá trình đô thị hoá lâu nay vốn đã tạo ra những cấu trúc chuyển hoá mềm, tự phát hoặc chủ định. Vùng ngoại ô các thành phố lớn đã là những không gian chuyển hoá mềm, giữa đô thị và nông thôn. Nơi đấy, dân cư vừa làm ruộng vừa làm nghề, kiến trúc nửa quê nửa tỉnh, người dân ít còn là dân quê, song chưa trở thành dân phố. Ở Hà Nội đầu thế kỷ 20, không gian Hồ Hoàn Kiếm đã trở thành sự nối kết hết sức ổn thoả giữa khu phố ta và khu phố Tây.
Có thể đô thị Hà Nôi hiện tại cũng tự nó hình thành một sự chuyển hoá mềm ở tầm vĩ mô: Các đường phố, ô phố và khu vực xây dựng vài chục năm lại đây, đang mở ra khả năng gắn kết thành một thể trung tâm thủ đô hiện hữu với trung tâm thủ đô quy hoạch. Hàng ngàn thôn làng trên lãnh thổ thành phố mở rộng, đang phát triển mà không có đường hướng, sẽ biến thành vùng ngoại ô mới của ngoại ô cũ hay hướng cho chúng tiến lên thành những nông thị (agrotown), nằm trong một megacity đích thực hiện đại, kết hợp trong mình thành phố hiện đại và nông thôn đô thị hoá chủ động? Người viết những dòng này có ý định trình bày suy nghĩ của mình về agrotown và megaagrocity trong một bài viết khác. Ở tầm vĩ mô hơn, thiết nghĩ nên quy hoạch ở trong các khu đô thị quốc tế hoá những cấu trúc chuyển tiếp mềm, cả về phương diện cảm thụ không gian đô thị lẫn thói quen ăn ở - đó là cấu trúc “xóm phố”: nhà liền kề, quán ăn, cửa hàng, tiệm này tiệm nọ. Nơi đó người ta bớt đi sự bỡ ngỡ, khi tâm thức “phố” vẫn đeo đuổi. Nếu ta không chủ động cấu trúc ấy, thì dân vẫn có cách “Việt hoá” những khu đô thị mới chỉn chu kia. Và, hình ảnh tất yếu sẽ nảy sinh, - sự manh mún và luộm thuộm, cố hữu của những con phố muôn thưở ...
Cùng với công cuộc hiện đại hoá và đô thị hoá tốc hành, những quá trình tiến hoá từ làng sang phố và từ phố sang đô thị, từ người thôn quê sang người thành thị, đang diễn ra theo những quy luật riêng của chúng. Hễ ta nhận thức sâu sa 2 quá trình chuyên biệt này và chủ động chúng trong hoạch định chiến lược phát triển, trong quy hoạch và quản lý đô thị, thì ắt mô hình đô thị Việt sẽ tạo tác nên.
Hiện đại, song vẫn là nơi chốn.

Viết tại Ba Lan, tháng 12 năm 2010

GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính (bài đăng Tạp chí Quy hoạch Đô thị số 03, Ashui.com)

26/10/10

Kiến trúc – sáng tạo và hành nghề

Thiết kế dựng công trình từ công năng. Sáng tác dựng hình tượng cho công trình, đặt nó cận kề hoặc làm cho nó trở thành tác phẩm. Tác phẩm có cơ may trở thành nghệ thuật.

Ai đó nói: Con trai mà sản sinh viên ngọc là bởi nó mang bệnh. Ai đó ứng: Kiến trúc mà sản sinh viên ngọc là bởi nó khoẻ.

Văn chương có thể hưng thịnh khi xã hội suy đồi. Kiến trúc chỉ hưng thịnh khi xã hội khoẻ. Xã hội khoẻ mở đường cho sáng tác thăng hoa.

Thời nay, khác và hơn các thời xưa, kiến trúc có tất cả cho sáng tác và cho hành nghề. Giới kiến trúc sư, hễ tâm tưởng về nền kiến trúc Việt Nam đứng cả hai chân trong thời đại, ngần ngại gì mà không bắt tay dọn quang đường cho sáng tạo và cho hành nghề.

 

Sáng tác kiến trúc

Sáng tác kiến trúc tựa vào và vượt lên từ tay nghề và từ ý tưởng.

Tay nghề ám chỉ sự làm chủ vững vàng các phương tiện sáng tác và tác nghiệp, thông qua đào tạo: sự hấp thụ tri thức văn hoá nền tảng và tri thức nghề nghiệp; sự làm chủ tư duy sáng tạo kiến trúc chuyên biệt và kỹ năng tác nghiệp. Tính chuyên biệt của tư duy sáng tạo kiến trúc chính là ở sự chuyển hoá những ý tưởng thành sự sắp đặt không gian theo dòng chảy của quy trình sống, sự tạo tác hình tượng cho công trình như một sản phẩm tâm thức và thẩm mỹ. Thông qua lộ trình sáng tạo kiến trúc chuyên biệt, quy trình sống được vật thể hoá thành cơ thể, vô tri vô giác tác động đến người sử dụng nó và môi trường bao quanh nó. Bản chất sâu xa của kiến trúc chính là ở cái vế sau.

Kỹ năng tác nghiệp chính là khả năng phối hợp quy trình hình thể hoá ý tưởng: ý nghĩ – ngôn từ – bàn tay – con mắt. Ngôn từ đóng vai trò chuẩn xác hoá suy nghĩ và tạo sức biểu đạt cho đường nét, dẫn dắt bởi bàn tay và con mắt. Khi cái quy trình đặc trưng này vận hành trôi chảy, khi ngôn từ và bàn tay không bất lực giữa ý nghĩ và con mắt, là dòng chảy sáng tác không bị ngăn trở, là ý tưởng và phác thảo hoà thành một thể có sức thuyết phục. Tác phẩm kiến trúc đi ra từ đấy. Dạy nghề kiến trúc cũng theo cái chuỗi ấy: ý nghĩ – ngôn từ – bàn tay – con mắt.

Nói về sáng tạo kiến trúc, ngoài tay nghề, phải nói tới ý tưởng. Tay nghề là phương tiện chuyên chở, ý tưởng là nhiên liệu. Nhiên liệu mà có sức bật của lò xo, mà có sức bứt phá của viên đạn, mà có sức kết quện của keo sơn, thì tác phẩm sáng tạo kiến trúc sẽ thăng hoa. Cái gốc của mọi ý tưởng sáng tạo là tư tưởng: tư tưởng thời đại, tư tưởng xã hội và nhân văn, tư tưởng thẩm mỹ, tư tưởng khoa học và công nghệ. Mỗi tác phẩm kiến trúc, hễ nó là nó, phải chứa đựng và phản ánh những tư tưởng và xu hướng của thời đại, phải góp phần thúc đẩy tiến bộ xã hội. Từ nền tảng của tư tưởng, nảy sinh những ý tưởng sáng tạo kiến trúc. Đến lượt mình, ý tưởng sáng tạo kiến trúc làm nảy sinh những giải pháp cho tổ chức không gian mà công năng cần được triển khai, cho hình thái và hình tượng kiến trúc mà công năng có thể được tạo tác, khi nó hoá thành cơ thể kiến trúc.

Nền kiến trúc của chúng ta đang thiếu tư tưởng. Thiếu những tư tưởng có khả năng mở đường rộng và mở đường tắt, có khả năng tạo sự đột biến và góc nhọn cho phát triển. Sự thiếu vắng những tư tưởng lớn hạn chế nảy sinh những ý tưởng của kiến trúc sư – người sáng tác, từ đó công trình tầm thấp hoặc chấp nhận được ra đời nhiều, còn tác phẩm đích thực thì lại ít.

Sáng tác là sự tìm tòi trong cảm hứng chuyên biệt của mỗi kiến trúc sư. Tìm tòi dẫn tới cái khác, cái lạ, cái mới và cái riêng từ cái nền chung của những gì đã cũ hoặc đã không còn tiến bộ. Sáng tác trong tìm tòi ở mỗi kiến trúc sư – bản thể sáng tạo tựa như những dòng chảy. Có dòng chảy, chảy mà nước không dồi dào, hễ gặp phải chướng ngại vật, - dừng chững lại. Có dòng chảy, chảy xiết do nguồn lực thôi thúc, lại thu hút thêm những khe những mạch thành dòng sông. Dòng sông ấy tựa như dòng sáng tạo của một bản thể – kiến trúc sư tài năng, có năng lượng sản sinh, có “cái tôi”, đủ sức bứt phá và cả độ dang rộng của đôi cánh. Hễ con sông ấy mà rộng, lại gặp địa hình địa thế xuôi thuận, thì các con sông khác cũng tìm đường hoà vào, tạo thành dòng chảy cuồn cuộn những phù sa, giữa những lưu vực rộng lớn. Có thể ví những đại giang ấy với những xu hướng, những trường phái mà nền kiến trúc đương đại không thể thiếu.

Sáng tác dẫn tới sự nảy sinh tài năng và nhân tài. Chỉ tài năng mới có khả năng đưa kiến trúc trở thành nghệ thuật. Chỉ tài năng mới có khả năng đưa kiến trúc sư trở thành tác giả của những tác phẩm. Kiến trúc sư, tìm tòi không ngưng nghỉ, bộc lộ sức sáng tạo của mình, thành công trong dẫn dắt những ý tưởng của mình, đứng vững ở tư thế khẳng định mình. Kiến trúc sư tài năng đương nhiên phải gánh chịu sức nặng, ngày càng gia tăng, của 2 chữ “Tài” và “Tôi” trên đôi vai của mình, bởi cả 2 chữ ấy bao giờ cũng bị đặt trước sự thẩm xét và thách thức của người đời.

Chúng ta cần nhận ra kịp thời, mở rộng lòng bênh vực vô tư và can đảm những tài năng kiến trúc, những tìm tòi và những ý tưởng mới, đột phá và tiên phong. Cổ vũ và khơi rộng đường cho những khuynh hướng, xu hướng và trường phái, khi những trái quả hiếm hoi này của sáng tạo lấp ló ra. Ta xưa nay vẫn có thói quen dè bỉu cái khác lạ và dễ dãi với những cái quen mòn. Ta vẫn có thói quen tằn tiện lời khen với người sống, hào hiệp lời khen với người nằm xuống. Những thói quen ấy chặn ngăn dòng chảy sáng tạo, dồn những cái mới, cái đột phá và cái riêng vào cái phễu của sự hẹp hòi.

Sáng tạo sản sinh tài năng và mở đường cho tìm tòi. Cả hai cái ấy rất cần, cần hơn bao giờ hết, cho kiến trúc Việt Nam hôm nay thăng tiến.

 

Hành nghề kiến trúc

Sáng tác, họa sỹ từ cảm hứng; kiến trúc sư theo đặt hàng. Quan hệ cung và cầu trực tiếp. Giữa kiến trúc sư và khách hàng là sản phẩm. Sản phẩm không theo mẻ, không đại trà. Sản phẩm đơn chiếc. Hành nghề kiến trúc sư đặc trưng chính là ở chỗ quan hệ mặt đối mặt với khách hàng và sản phẩm đơn chiếc làm theo đơn đặt hàng. 

Khác tác phẩm hội họa, sản phẩm kiến trúc không đi ra trực tiếp từ bàn tay tác giả, mà có sự tham gia và can thiệp của khách hàng, của cộng sự thuộc nhiều chuyên ngành. Nó chỉ thực sự hiển hiện dưới bầu trời nhờ bàn tay người thợ, sự hỗ trợ của máy móc và từ những bài tính của thực tế. Khác hội họa, nơi sản phẩm sản sinh từ một cá thể sáng tạo, - khối não - trái tim - con mắt và bàn tay, - sản phẩm kiến trúc bị chi phối bởi luật, bởi những quy chế và quy phạm, bởi những ràng buộc liên quan liên đới từ đô thị và từ cộng đồng.

Trải qua ngần nấy tầng nấc và ngần nấy mối quan hệ, mà sản phẩm cuối cùng - công trình kiến trúc - còn bảo lưu những ý tưởng của kiến trúc sư khai sinh ra nó, có thể coi quá trình hành nghề chuyên biệt của anh đã trọn vẹn. Ở ta, kiến trúc sư đạt được điều ấy, quả là hiếm hoi.

Hễ ta muốn có công trình kiến trúc tốt, ta phải tạo ra môi trường thuận lợi cho kiến trúc sư hành nghề, trên cơ sở giải quyết thỏa đáng các mối quan hệ chi phối và phức tạp. Hễ ta mong tác phẩm kiến trúc ra đời, ta phải giảm thiểu tối đa khoảng cách giữa kiến trúc sư và khách hàng, đặt kiến trúc sư trực diện đơn đặt hàng.
Trong cộng đồng trí thức hành nghề, luật sư, bác sỹ và kiến trúc sư trực diện hơn cả trước khách hàng, nhận vào mình bổn phận và trách nhiệm trước khách hàng, tuân thủ những ràng buộc của luật, chấp hành đạo đức và bài bản hành nghề. Từ đó, cần có một công cụ pháp lý, xuyên suốt và thấu đáo, điều tiết những mối quan hệ dân sự và nghề nghiệp. Công cụ ấy chính là một đạo luật hành nghề kiến trúc sư, tương tự luật hành nghề luật sư và luật hành nghề bác sỹ (ở ta được mệnh danh một cách tránh né “luật khám chữa bệnh”) đã có hiệu lực.

Mọi lĩnh vực hoạt động kinh tế đã đứng cả hai chân trong nền kinh tế thị trường, song hành nghề kiến trúc vẫn bị chi phối bởi lực quán tính của thời bao cấp. Quản lý Nhà nước không còn hiệu lực trước thực tế hành nghề kiến trúc đã trở thành thị trường, hòa nhập vào dòng chảy của nền kinh tế tự do hóa và khi hầu hết kiến trúc sư hành nghề ngoài nhà nước. Cả một địa hạt hành nghề kiến trúc rộng lớn, với những quan hệ đa phương phức tạp và những hệ lụy phức tạp không kém, cho đến nay vẫn thiếu hẳn một công cụ pháp lý đóng vai trò điều tiết. Luật hành nghề kiến trúc sư cần phải ra đời là sự tất yếu. Nó sẽ xác định đạo đức, trách nhiệm xã hội và trách nhiệm trước khách hàng của kiến trúc sư, tạo ra nền tảng lành mạnh cho kinh doanh tư vấn kiến trúc, điều tiết các mối quan hệ, xác lập tổ chức hành nghề của kiên trúc sư tương thích với nền kinh tế thị trường. Đó là nghiệp đoàn của những người hành nghề kiến trúc, dưới tên gọi Đoàn Kiến trúc sư, tập hợp kiến trúc sư đăng ký hành nghề, quản lý họ bằng quy ước đạo đức và quan hệ hành nghề, bênh vực quyền lợi của họ, làm trọng tài trong quan hệ của họ với khách hàng. Cho đến nay ta chưa thực hiện đăng ký hành nghề kiến trúc sư, do đó có bao nhiêu kiến trúc sư hành nghề, ta không biết. Việc cấp chứng chỉ hành nghề do các Sở Xây dựng cấp, thường không sát thực lực người xin cấp chứng chỉ. Đặc biệt, việc quản lý hành nghề theo chứng chỉ, việc xử phạt theo chứng chỉ chưa thấy một tổ chức nào đảm nhiệm. Thiếu đạo luật hành nghề kiến trúc sư và nghiệp đoàn kiến trúc sư, chưa có thể nói đến tính chuyên nghiệp trong hành nghề và trong kinh doanh hành nghề, cũng chưa thể hình thành thực sự thị trường tư vấn kiến trúc. Kiến trúc sư chưa thể có những điều kiện để đáp ứng đầy đủ các đơn đặt hàng của xã hội.

Tổ chức hành nghề kiến trúc trong những điều kiện hiện nay dẫn tới tình trạng: Có rất ít doanh nghiệp chuyên về tư vấn thiết kế kiến trúc; quá nhiều doanh nghiệp kiến trúc nhỏ bé; các doanh nghiệp kiến trúc ít có thương hiệu và không gắn với tên tuổi kiến trúc sư có uy tín nghề nghiệp. Thu nhập thấp và bấp bênh không cho phép các công ty kiến trúc chuyên doanh về thiết kế. Vốn liếng ít ỏi và thị trường nhỏ lẻ hạn chế kiến trúc sư tập hợp thành những doanh nghiệp lớn và mạnh. Các doanh nghiệp ít có thương hiệu do bề dày hành nghề chưa đủ và do chưa đủ năng lực tranh giành những dự án lớn. Các kiến trúc sư thành danh chưa nhiều. Việc kiến trúc sư lấy tên mình tạo thương hiệu cho công ty tư vấn kiến trúc chưa dễ dàng được chấp nhận. Những đơn vị tư vấn kiến trúc, đảm nhiệm nhiều lĩnh vực kinh doanh, vừa nhỏ lẻ và  chưa thành danh, không được dẫn dắt bởi một thủ lĩnh trong nghề, không thể thúc đẩy hành nghề, không thể thúc đẩy kiến trúc đi thẳng và đi nhanh vào hiện đại.

Có hành nghề là có cạnh tranh. Có thị trường là có đào thải. Cạnh tranh và đào thải là quy luật của kinh tế thị trường, là những nhân tố tiên quyết phát triển. Hành nghề kiến trúc nằm gọn trong sự thách đố, đương nhiên và nghiệt ngã ấy. Sớm muộn rồi sẽ xuất hiện những văn phòng và những tập đoàn tư vấn kiến trúc lớn, các doanh nghiệp thiết kế nhỏ sẽ biến mất, y hệt các cửa hàng nhỏ trước các trung tâm thương mại lớn. Khách hàng, nhà nước và tư nhân, sẽ tìm đến và gửi niềm tin vào các kiến trúc sư giỏi, y hệt người ta tìm đến luật sư hoặc bác sỹ giỏi. Để sự cạnh tranh diễn ra lành mạnh, thị trường hành nghề phải thông thoáng, hợp với kinh tế thị trường.

Chúng ta nhận ra sự thua kém của kiến trúc sư và doanh nghiệp tư vấn kiến trúc quốc nội trong cuộc tranh sức tranh tài với các đồng nghiệp quốc tế. Sự yếu kém ấy phải tìm nguyên nhân ở điều kiện hành nghề hiện nay. Chỉ có thiết lập môi trường hành nghề tương thích nền kinh tế thị trường, chỉ có nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực kiến trúc, ta mới có thể có sự bình đẳng và hội nhập quốc tế.

Ban bố luật hành nghề kiến trúc sư, thành lập nghiệp đoàn kiến trúc sư, sắp xếp lại tổ chức hành nghề, lành mạnh hóa môi trường hành nghề, chuyên nghiệp hóa hành nghề và kinh doanh hành nghề sẽ là những đảm bảo cho nền kiến trúc vượt qua lạc hậu và bứt phá về hướng hiện đại hóa.

GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính

Xem thêm: http://ashui.com/mag/index.php/chuyenmuc/kientruc/67-kientruc/2509-kien-truc-sang-tao-va-hanh-nghe-bai-1.html

22/10/10

Thân phận biệt thự Hà Nội

Giữa các thể loại kiến trúc, nhà ở thân phận hơn cả. Thân phận bởi trú ngụ nơi đó những kiếp người. Giữa những thể loại nhà ở, biệt thự thân phận hơn cả. Thân phận bởi những biến đổi thời cuộc va đập vào, dữ dội và sâu xa hơn cả. Giữa những biệt thự Huế, Sài Gòn, Đà Lạt và những đô thị khác, biệt thự Hà Nội (biệt thự nhắc tới ở đây là villa thời Pháp thuộc) thân phận hơn cả.

Mỹ miều

Biệt thự phong cách miền Trung nước Pháp trên phố Lê Hồng Phong

Ở Hà Nội, những năm 80 thế kỷ XIX, thực dân xây dựng đồn binh và trại lính tại khu nhượng địa. Nay sót lại vài ba cái - nhà gạch 2 tầng, dưới bỏ trống để tránh ẩm thấp, tầng trên gồm những gian phòng có hiên bao quanh, cốt là dể tránh nắng hắt và mưa táp. Muộn hơn, xuất hiện những villa, thoạt đầu ở phía Nam hồ Hoàn Kiếm. Từ thập niên thứ hai thế kỷ trước, hình thành những đường phố, những ô phố, những xóm và khu biệt thự. Những năm 30 đầu 40, người ta còn tổ chức bình chọn mẫu biệt thự đẹp nhất Hà Nội. Lần cuối villa trong vườn ở góc phố Điện Biên Phủ và Lê Hồng Phong, được công nhận là đẹp nhất.

Biệt thự thường đặt trong khuôn viên chia lô, dọc các con phố có vỉa hè và những rặng cây trồng thẳng hàng và đều đặn, thuộc một chủng loại. Chúng hầu hết là những ngôi nhà gạch 2-3 tầng, to tát so với nhà ở của người bản địa thời đó, song lại khiêm nhường so với biệt thự của người mình thời nay. Tầng sát đất không cao và để trống. Lối lên đường bệ dẫn tới sảnh, phòng salon, phòng ăn, các phòng ngủ, phòng tắm và vệ sinh. Biệt thự nào cũng có mái hiên hoặc ban công. Nhiều khi có cả véranda - không gian 3 phía không có vách, mà chỉ ngăn bằng lan can hoa sắt hoặc con tiện. Lác đác bắt gặp những lan can đúc gang uốn cong hình bụng chửa - đấy là tàn dư của những lan can ban công thời trung cổ châu Âu, tiện cho những tiểu thư váy xòe đứng ngắm phố và ngóng trai. Hãn hữu bắt gặp những cái mézonine - khoảng không gian đặt nhô ra một bên nhà, có mái che và có vách kính bao. Đó là nơi sinh hoạt lưng chừng giữa nơi tiếp khách và nơi ngủ, là thành phần không thể thiếu ở các biệt thự Bắc Âu. Đà Lạt có nhiều villa với mézonine. Thời nay, do thiếu diện tích, đem bít lại. Biệt thự có mézonine như con mắt nhòm ra những sườn đồi thoai thoải, nay trở nên mù lòa.

Người Tây du nhập kiến trúc nhà gạch nhiều tầng, với những bức tường dày xây gạch chịu lực, mát về mùa hạ và ấm về mùa đông. Sàn nhà cấu tạo bằng dầm sắt và vòm cuốn gạch, trước khi xuất hiện bê tông cốt thép vào những năm 30. Cửa sổ lắp kính, bên ngoài thêm cửa chớp. Mái dốc lợp ngói Tây, họa hoằn lợp ngói đá ardoise. Mái thường được khuếch trương, cả về độ lớn và sự biến hoá. Chúng là thành phần đặc sắc của biệt thự Hà Nội. Ngôi nhà mái dốc chóp thẳng đứng lợp ngói ardoise ở giữa phố Quán Thánh, nhìn cứ tưởng như cái bóng chưa tan thời trung cổ Bắc Âu. Còn villa ở góc phố Lê Hồng Phong và Khúc Hạo, có hệ mái ngói y hệt bản hòa tấu kỳ lạ của những cái chóp có độ dốc khác nhau. Hình như trong một lần tu sửa mới đây, ai đó đã “giản tiện hóa” cái sự bị cho là rối rắm ấy. Cách nay chắc đã hai thập niên, nhiều người Hà Nội giàu nhanh cũng gắng dựng lên những cái chóp trên những biệt thự - lâu đài đồ sộ của mình. Xem ra, cái gì cũng có thời của nó. Những mái ngói vươn ra thường tì đỡ vào những hệ con sơn gỗ, trang sức duyên dáng cho những villa Hà Nội. Ở phố Nguyễn Biểu, biệt thự số 17 và 18, chắc thuộc sở hữu của người Việt, có những hệ con sơn đỡ mái nhà và mái hiên, cầu kỳ và tinh tế đến mức ta quên đi cái sự chúng đơn thuần là cấu trúc tỳ đỡ. Còn ở ngã tư Bà Triệu và Nguyễn Du, thỉnh thoảng bị úng ngập của Hà Nội cũ, có ngôi biệt thự một tầng, mái ngói rõ lớn và rõ nặng, che úp lên cái thân thấp lùn của nó. Ấy mà, những con sơn đỡ mái hiên lại diêm dúa đến thế. Nay cụ biệt thự lùn đã bị phá bỏ đến hai phần ba. Dưới mái nhà tàn phế ấy, hình như người họa sĩ không chịu già Ngọc Linh chưa nỡ bỏ đi ...


Biệt thự phong cách miền Bắc nước Pháp tại ngã ba Lê Hồng Phong - Khúc Hạo  

Cùng với kiến trúc biệt thự, người Tây du nhập kỹ thuật và thiết bị tiện nghi: nước máy, quạt máy, bồn tắm và vòi hoa sen, lavabo cùng vòi rubine, chậu rửa bide, xí bệt v.v.. Nhờ thế mà chu trình sống trong không gian ở khép lại. Dân ta dần dà làm chủ mô hình ăn ở tiện lợi ấy.

Trong khoảng thời gian 50 năm, kiến trúc biệt thự Hà Nội đã kịp phát triển về không gian, loại hình, số lượng, kiểu cách, sự khác biệt giàu và sang, tiến hoá theo các trào lưu quốc tế và, đặc biệt, theo chiều hướng địa phương hóa. Thoạt đầu, người Tây du nhập kiểu biệt thự có phong cách hậu cổ điển vào Sài Gòn và Hà Nội. Một giai đoạn dài hơn, họ du nhập các kiểu dáng biệt thự từ các địa phương của nước Pháp, với những biến hóa cho hợp với đất trời bản địa. Tôi gọi những kiểu cách kiến trúc biệt thự thời kỳ này là nostalgique - hoài hương, vọng quê. Từ cuối những năm 20 và nhất là từ những năm 30, kiến trúc biệt thự phát triển theo hai chiều hướng. Modernisme với việc sử dụng vật liệu bêtông cốt thép, mái bằng và sự giản tiện trang trí. Chiều hướng thứ hai, kết hợp thẩm mỹ Đông - Tây cùng sự khai thác theo chiều sâu những đặc trưng của xứ nhiệt đới nóng - ẩm, lấy đó làm điểm tựa cho một phong cách kiên trúc riêng biệt.

Cùng với thể loại biệt thự trong các khuôn viên phân lô đa phần thuộc sở hữu người Tây, ở Hà Nội sớm định hình dạng biệt thự liền kề, chủ yếu do người Việt thuộc giai tầng trung lưu sở hữu. Các phố Bùi Thị Xuân, Triệu Việt Vương, Mai Hắc Đế, Quán Thánh, Nguyễn Trường Tộ, Hàng Than v.v.. đã từng xây kín bởi những căn biệt thự kiểu ấy. Nhà nghiên cứu đô thị người Pháp Christian Pédelahore de Loddis, người hiểu biết bản chất kiến trúc Hà Nội cực kỳ tinh tế, cho rằng kiểu biệt thự này là sự phát triển tiếp nối mô hình nhà ống ở khu phố cổ.

Biệt thự thời Pháp chẳng những là nét đẹp và nét sang trong quỹ kiến trúc đô thị Hà Nội, chúng còn thôi thúc người mình hôm nay sao chép và biến hóa không biết nhàm chán, làm nảy sinh chủ nghĩa hình thức, khá vô duyên trong công cuộc phát triển nền kiến trúc Việt Nam, lẽ ra phải đuổi bám thời đại. Có lẽ bởi villa thời xưa là nơi sống tiện lợi và thanh thản, đẹp nhã và đẹp bền, sang mà không phô diễn, văn hóa chính là ở sự chừng mực... Học hỏi kiến trúc villa, chính là những tinh hoa ấy.

Bắt nguồn từ màu những viên sa thạch, mà người Pháp ưa ốp mặt nhà ở thành thị và thôn quê. Nay ta sơn phủ công sở và nhà ở bằng gam màu cũng vàng, song lại là vàng đậm và gắt. Thời Tây, hễ Hà Nội có dịch thương hàn là người ta cắm những lá cờ hình tam giác màu ấy.
  • Ảnh bên : Biệt thự phong cách miền Bắc nước Pháp trên phố Quan Thánh
Biến đổi

Từ năm 1954, với villa Hà Nội, thời cuộc đã đưa tới những biến đổi gốc rễ. Những biến đổi liên quan trước hết đến quyền sở hữu. Tiếp theo là về sử dụng. Cả hai đều gây hệ lụy, ngày càng sâu xa.

Những chủ sở hữu cũ hầu hết đã ra đi. Một số ít lưu lại, song đã vào những vai khác. Các biệt thự sang trọng dùng cho các cơ quan ngoại giao. Các biệt thự lớn đem dùng cho các công sở. Một số lượng khá lớn trao cho các gia đình cán bộ cao cấp, có tiêu chuẩn tương ứng cả về ở, ăn lẫn xe cộ. Dòng người từ miền ngược và thôn quê ồ ạt chuyển về thủ đô, tạo ra làn sóng di dân lần thứ nhất - bộ đội, cán bộ, nhân viên và công nhân. Họ được sắp xếp vào ở những căn nhà có diện tích dôi ra do sự “nhũn nhặn” vốn dĩ của chủ nhân - người Hà Nội gốc. Nhà vẫn thiếu, họ được phân chỗ ở, trong các ngôi biệt thự, chưa bao giờ thiết kế cho sự chung sống tập thể, cho những ai chưa từng ở nhà Tây.

Dạng di dân và cư trú tương tự ta có thể thấy ở những thành phố Nga sau năm 1917. Người Nga gọi cộc lốc là “côm-mu-nál-ca”, nhà ở chung, nơi sống chung đụng.

Villa Hà Nội trong những hoàn cảnh lịch sử, nên được nhìn nhận khách quan, khó bề tránh khỏi sự xuống cấp kỹ thuật, biến dạng kiến trúc, sa sút thẩm mỹ. May mắn hơn cả là những biệt thự do các cơ quan ngoại giao nước ngoài sử dụng. Chủ hầu hết là người Tây, họ hiểu biết và có điều kiện duy trì, do đó biệt thự chẳng những không tàn phai, mà lại còn ngời sáng.

Những tòa biệt thự biến thành công sở biến dạng và xuống cấp do chúng chưa hề được thiết kế làm nơi ra vào của đám đông, do bị thờ ơ bởi cái lẽ chúng chẳng phải là của riêng ai. Dạo chiến tranh, cơ quan sơ tán, các hộ nhân viên đổ bộ nhẹ nhàng vào, biến biệt thự công sở thành nơi ở hơn là nơi làm việc, với tất cả những hệ luỵ dai dẳng. Ở tạm mà hóa ra ở lỳ.

Biệt thự dành cho gia đình cán bộ cao cấp có số phận chẳng may mắn hơn là bao. Một thời gian dài, tuy là cao cấp, song họ vẫn nghèo. Con cái lấy vợ gả chồng, mỗi đôi một buồng. Thiếu chỗ, cơi nới và xây quanh hàng rào. Sau này, nhà nước thanh lý theo giá “tượng trưng”, con cháu đem bán nhà mà thực ra là bán đất.


Biệt thự Tân cổ điển kiểu đế chế trong khuôn viên trường Chu Văn An 

Thân phận hơn cả là những biệt thự bị biến thành nhà tập thể, mỗi gia đình một buồng, buồng tắm cho hộ ít người. Mọi tiện nghi cũ dẹp đi. Trong sân xuất hiện nhà vệ sinh công cộng, bể nước công cộng, nhà tắm công cộng, chuồng lợn, chuồng gà... Nhu cầu sử dụng gia tăng, ai ở tầng một thì bành trướng ra sân, ai ở tầng trên thì bành trướng lên trời. Hết chỗ, thì làm nhà tạm bợ dọc hàng rào. Biệt thự bị xâm thực từ trong ra, từ ngoài vào và từ trên xuống. Chúng trở thành tổ người, biến dạng đến nỗi, ai muốn phục dựng hình hài cũ, phải dụng đến công cụ mổ xẻ kết hợp với tài phán đoán của nhà khảo cổ học.

... Trong xóm Hạ Hồi, nguyên là xóm biệt thự êm đềm, hiện hữu một cái nhà nguyên là biệt thự. Nguyên, bởi nó đã bị nuốt chửng bởi những sáng tạo kiến trúc, phát sinh từ những sự bất đắc dĩ kéo dài hàng chục năm ròng, với vô số những cuộc thập tự chinh, những va chạm và những cuộc họp hòa giải. Trong gian phòng rộng chừng 20m2, ông kỹ sư và bà bác sĩ tuổi quá 70 vẫn ôm ấp những kỷ niệm một đời người. Ông bà ôm hôn nhau lần đầu ở đây, làm lễ thành hôn, trở thành cha mẹ, rồi ông bà nội ngoại cũng ở đây. Tổ ấm - một phòng của họ đầy ắp những vật dụng, chẳng nỡ vứt, toàn là những kỷ niệm một đời con kiến tha lâu đầy tổ. Ngay ở căn phòng phía sau, ngăn cách bởi cửa kính và những cái tủ kê cho khuất mắt, tá túc một gia đình ba thế hệ, già nua và trưởng thành cả rồi, mà chẳng ai ăn nên làm ra. Sự cáu gắt và to tiếng là lẽ bình thường. Chỉ khổ hàng xóm, họ quên đứt đi cái việc điều tiết volume. Trên gác, trong căn phòng nguyên là vệ sinh, nguyên là chỗ ở của một họa sĩ có danh, những bức tranh dở dang và những pho tượng thạch cao chồng chất, đã lâu chưa thấy ai đoái hoài. Trên cái véranda, lợp tôn và bao che bởi tường gạch không trát, vài chục năm nay cư ngụ ông nhạc công kèn đồng. Sáng sáng, ông dóng vào không trung trích đoạn ouvertures của Richard Wagner. Ông nói, cho nó oai phong lẫm liệt... Trong sân, hai dãy nhà tạm bợ tuổi đã 30, ẩm ướt và tăm tối, bà bánh cuốn, ông cháo lòng tiết canh cùng mấy bác từ mãi đâu đâu, chui rúc. Trên tầng hai, trong hai căn buồng nhỏ, vẫn còn đấy con cháu những người chủ cũ. Ai đến chơi, là một dịp họ nhắc về cái sự sở hữu một thời. Và thở dài…

Không nơi nào nhiều biệt thự đẹp, quý và thân phận như Hà Nội của tôi. Trong mắt người này biệt thự Hà Nội là di sản quý hiếm. Trong mắt người kia biệt thự Hà Nội là ứ tồn đô thị. Ai đó lại nhìn thấu giá trị mảnh đất, nơi chúng tọa lạc. Còn những người Hà Nội cũ, chậm chạp và nhũn nhặn, thì biệt thự đã là hoài niệm.

(Bài đăng Báo Người Đô thị số 82 và mạng Ashui.com)

GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính