3/5/11

Điểm nhấn Kiến trúc và điểm nhấn Đô thị

Ở Âu châu và các nước có văn minh từ cái gốc ấy, khái niệm điểm nhấn đô thị đi ra từ những kiến trúc, phát triển về chiều cao là chính. Đó có thể là những tháp canh đặt trên tường thành, các tòa thị chính, nhà thờ và những tháp quan sát hỏa hoạn.
                                              
Những kiến trúc kiểu này không chỉ cao và mảnh, mà thường có đường bao đặc sắc, tạo nên những tín hiệu dễ nhớ. Ngoại trừ kiến trúc gỗ ở một vài nước Đông và Bắc Âu (cấu trúc theo lối xếp chồng các thân gỗ, liên kết bởi các mọng góc), thì ở châu Âu những kiến trúc ngự trị không gian bao giờ cũng xây bằng đá, gạch và đắp bằng vôi vữa, nhờ đó chẳng những bền vững mà còn được cấu tạo và trang trí cầu kỳ. Tháp Eiffel ở Paris có lẽ được dựng chủ yếu như một biểu tượng của thành phố và của công nghệ sắt thép đương thời. Nó chế ngự và chốt những không gian mở ra rộng lớn sau những cải cách đô thị bởi kiến trúc sư Haussmann.

Tháp Eiffel ở Paris

Kiến trúc điểm nhấn ở các đô thị hiện đại đa phần được tạo nên bởi những công trình có độ cao vượt trội, trước tiên là tháp truyền hình, sau đó là cao ốc chung cư và văn phòng.

Các tòa tháp truyền hình được xây ở khắp các đô thị đều được thiết kế như những điểm nhấn, mà trong nhiều trường hợp, đã trở thành những biểu tượng thị giác cho chúng. Trong khi đó những cao ốc, những tổ hợp cao ốc, đa phần được thiết kế nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng, bởi vậy có hình hài phản ánh cấu trúc và vật liệu mà chúng được tạo nên. Nhận ra không nhiều những tòa nhà cao tầng có kiến trúc đặc sắc, trở thành những điểm nhấn không gian và thị giác của thành phố. Trong những năm gần đây, nảy sinh xu hướng tạo dựng những công trình kiến trúc thiên về sự chiêm ngưỡng, về kiến trúc kỳ quan, từ đó khái niệm điểm nhấn đô thị trở nên có ý nghĩa đầy đủ hơn.

Ở ta, nhìn vào lịch sử, việc áp đặt khái niệm điểm nhấn kiến trúc, điểm nhấn đô thị, xem chừng khiên cưỡng. Gỗ, vật liệu xây dựng chính, không thể đáp ứng ý muốn xây nhà cao. Độ cao của kiến trúc ở thôn quê và thành thị lại còn bị khống chế bởi những chỉ dụ và những ước định không thành văn. Hai nguyên nhân ấy tiên quyết hình thái kiến trúc cho cả nông thôn và thành thị, thấp tầng và triển khai theo phương vị ngang. Có lẽ, trong kiến trúc cung đình, đã từng có những công trình gỗ với 2 lầu và 12 mái, để tạo sự bề thế cho một quần thể kiến trúc chính thống, hoặc để mở rộng thêm lòng nhà, bởi chỉ với 4 mái thì ắt mái sẽ xà xuống quá thấp, ra vào phải cúi đầu. Hiển lâm các (ở Hoàng thành Huế) khá cao và có 12 mái, vẫn khó có thể gọi là điểm nhấn kiến trúc. Nó chỉ trội lên trong một tổng bố cục gồm những nếp nhà to nhỏ, hài hòa nhờ sự không tách lìa là mấy khỏi mặt đất trên nền cây cối. Tháp chuông ở chùa Keo (Thái Bình) cao 16 m, có thể coi là cao nhất trong kiến trúc chùa gỗ Việt Nam. Tuy thế, nó vẫn không ngự trị như là một điểm nhấn, mà chỉ là sự kết thúc rất chắc, rất logic một quần thể kiến trúc, triển khai vừa chặt mà lại khoan hòa, như mọi sản phẩm kiến trúc cổ truyền Việt. Có lẽ, chỉ các ngôi tháp ở thời Lý (thế kỷ XI - XIII), đã từng có vị trí đặc biệt trong ngôi chùa Phật, ngự trị không những trong không gian chùa mà còn trên không gian núi đồi và ruộng đồng. Sau này, ở chùa Phổ Minh (Nam Định) hoặc chùa Bút Tháp (Bắc Ninh), những ngôi tháp gạch đá thanh mảnh và không quá cao, không có vị trí ngự trị nữa.

Đình làngViệt 


Ở các làng quê Việt, không có những thành phần kiến trúc nào nổi bật về chiều cao. Những cây đa và cây gạo có lẽ là những điểm nhấn tự nhiên, điểm hút thị giác đầu tiên của khung cảnh thôn làng, mà về hình thái không gian đặc trưng bởi cấu trúc khép “đường làng - ngõ - ngách - khuôn viên nhà”, bởi những căn nhà thấp bé lợp mái ngói úp xụp, như một biểu hiện cô đọng của hình ảnh làng - tổ người muôn thuở. Thành thị, có đường có phố, nhưng về hình thái cơ bản không khác gì là mấy thôn quê.

Mãi sau này, người Tây quy hoạch lại một phần các đô thị, mở ra những quảng trường và sân bãi, phần nào giống như ở Âu châu, với những tòa nhà khá đồ sộ như Nhà hát lớn và quảng trường, như Nhà thờ lớn và cái sân khép kiểu đô thị Âu châu thời trung cổ ở Hà Nội, như nhà thờ Đức Bà với không gian bao quanh ở thành phố Hồ Chí Minh. Những nhân tố mới mẻ này cho phép nói rằng ở các đô thị Việt Nam thời cận đại đã hình thành những điểm nhấn đô thị có hình thái đặc trưng.


Từ những đặc thù nêu trên, chúng tôi muốn mở rộng và làm mềm mại thêm khái niệm điểm nhấn đô thị. Ngoài cách hiểu điểm nhấn được tạo nên bằng công trình kiến trúc bề thế và có độ cao vượt trội, có thể đưa ra khái niệm điểm nhấn đô thị với tư cách là một cấu trúc không gian đặc trưng, có sức hút và sức tỏa đặc biệt, được tạo ra bởi vốn liếng kiến trúc cũ hoặc những dấu ấn lịch sử và văn hóa, có vai trò quan trọng trong việc tạo dựng hình ảnh và hồn sắc cho đô thị. Hoặc cũng có thể là những không gian đô thị được thiết lập mới, có quần thể hoặc phức hợp kiến trúc tầm cỡ bao quanh, có sức thu hút cộng đồng trong những hoạt động đa dạng, trở thành không những trung tâm điểm trong đô thị mà còn là điểm đến cho người dân và cho người vãng lai.

Cả hai thể loại điểm nhấn đô thị này đang cần chú trọng kiến tạo trong các đô thị hiện nay. Ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Nha Trang, Hải Phòng... đã xuất hiện vô số những cao ốc, ngày càng có vị trí hầu như áp đảo và khử triệt hình thái cảnh quan đô thị vốn có, nếu chỉ nhìn vào độ cao hoặc vào hình khối mà chúng tạo ra. Hầu hết những cao ốc ấy hoặc có kiến trúc nghèo nàn về tính biểu hiện, dập khuôn hình ảnh cao ốc quốc tế những thập niên đã qua, có diện mà không có mạo, một sự nhân giống vô tính. Chúng được sắp đặt trong không gian đô thị chủ yếu xuất phát từ những tiêu chí: mảnh đất có sẵn, mảnh đất sinh lời... Hãn hữu mới từ những bài tính không gian đô thị. Càng hãn hữu, xuất phát từ ý tưởng tạo ra điểm nhấn thị giác cho thành phố. Đà Nẵng là nơi có nhiều những không gian và chân trời rộng mở, tuy vậy vài chục cao ốc xây dựng dọc sông Hàn, rải rác ở trung tâm thành phố và Mỹ Khê, không có những nét đặc biệt về hình khối và mặt đứng, hầu như không đóng góp gì đáng kể cho tổng cảnh quan thành phố. Dãy nhà cao tầng dọc bờ biển Nha Trang, có điều kiện dễ dàng hơn cả để tạo nên dấu ấn kiến trúc đô thị cảnh quan, lại đang lấp kín diện và tuyến đường đẹp nhất thành phố này bởi một thứ ngôn ngữ chung chung, không bộc lộ rõ địa chỉ. Ở Hà Nội, tại khu trung tâm, nơi có quỹ kiến trúc cũ ràng buộc kiến trúc sư và tại khu Mỹ Đình, hoàn toàn tự do cho sáng tác, không thấy những cao ốc thể hiện sự tìm tòi đặc biệt. Hà Nội, mảnh dẻ về thân xác, dường như đang bị hàng trăm cái cọc bê tông - buildings đóng đinh vào. Ở thành phố Hồ Chí Minh, may thay, đã dựng lên khá nhiều cao ốc, chẳng những hiện đại về ngôn ngữ, mà ít nhiều dễ nhớ. Siêu cao ốc Bitexco tạo ra sự bứt phá, song lại có thể bị nhìn nhận trái ngược.

Không gian xanh xung quanh hồ Hoàn Kiếm như một điểm nhấn của Thủ đô (Ảnh: Phương An / Hà Nội Mới) 

Nếu điểm nhấn đô thị tạo nên bởi sự bề thế và độ cao nổi trội, mang lại hiệu quả về thị giác, thì điểm nhấn đô thị tạo nên bởi cấu trúc không gian đặc trưng mang lại những cảm thụ sâu hơn về mỗi đô thị, về hồn cốt của nó. Chẳng hạn, phức hợp không gian hết sức đặc trưng và quý giá của Hà Nội, khởi đầu từ Nhà Hát Lớn - Quảng trường Cách mạng tháng 8 - đường Tràng Tiền, nối sang tòa nhà Ngân hàng - vườn hoa Con Cóc - quảng trường - vườn hoa Chí Linh, rồi hòa vào hồ Hoàn Kiếm, chính là một dạng điểm nhấn đô thị đặc thù và duy nhất của Hà Nội thời cận đại. Đó là một không gian định hình, song lại uyển chuyển, là điểm nhấn - dấu ấn của một thành phố lan tỏa, không định hình cứng. Điểm nhấn, mà sự hiện hữu của kiến trúc không quá nhấn, điểm nhấn nhận ra khi ta chuyển động trong đó, trong một dòng chảy của những không gian nối tiếp và những cảm giác không đứt đoạn. Đối với điểm nhấn tinh tế này, cái phải thực hiện là sự chỉnh trang nương nhẹ, bằng cách loại bỏ những gì không tương xứng, bằng sự bổ sung những gì nhất thiết. Với không gian Nhà thờ lớn Hà Nội - điểm nhấn vi mô trong cấu trúc phố thị vi mô hóa, việc kiện toàn và nâng cấp cũng là một đòi hỏi, mà hễ đáp ứng được, sẽ góp phần nâng cao giá trị cho quỹ kiến trúc cũ của trung tâm Hà thành. Ở TP.Hồ Chí Minh, cũng có một trung tâm - điểm nhấn đô thị quý giá đặc biệt, đó là khu vực Dinh Thống Nhất - vườn hoa - nhà thờ Đức Bà - sân trước, còn lưu dáng dấp xa xăm của đô thị Âu châu. Đó là một cấu trúc điểm nhấn văn hóa - lịch sử - kiến trúc đô thị gắn bó hữu cơ, nơi công trình - cây xanh - không gian và sự chuyển hóa mềm tạo ra một thành phần, vừa nhất thiết và vừa tinh túy, của một đô thị chuyển động năng nổ.

Hình như ở các khu đô thị mới, ở các đô thị trẻ, ngay cả ở các đồ án quy hoạch, vẫn thiếu khuyết những sự xác định “điểm huyệt” để cấy đặt vào đó những công trình có đủ sức trấn giữ không gian, có đủ sức cầm trịch cho kiến trúc thành phố và góp phần tạo nên sắc thái riêng cho nó. Hình như chúng ta đang đam mê mở ra những đại lộ cực rộng và cực sáng về ban đêm ở mọi đô thị to nhỏ, những trục đường mà hầu như bao giờ cũng tắc cụt ở nơi đô thị cũ, có hệ quy hoạch và hệ tỷ lệ xích hoàn toàn khác. Và cũng hình như chúng ta đang thiên về quan niệm: hễ muốn đô thị hiện đại thì phải xây cho được vài cái buildings cao tầng.

Nhà cao chắc gì đã sang. Đô thị thấp tầng chắc gì đã hèn.

Nên chăng, các đô thị ở ta, cỡ vừa và nhỏ, chọn hình thái phát triển theo phương vị ngang. Những đô thị ấy, quy hoạch cho khéo, dùng đất kiệm, nể nang thế đất và địa hình, coi trọng cỏ cây và mặt nước, - sẽ không chỉ là những sản phẩm kiến tạo đô thị sinh thái - nhân văn, mà sẽ còn là nơi chốn để sống dễ chịu và hễ đi xa thì nhớ, chẳng cần phải có những điểm nhấn đô thị.

Điểm nhấn đô thị, đối với thực tiễn kiến trúc Việt Nam và tâm thức người Việt, nên chăng có những cách hiểu mềm mại hơn. Từ đó, tuy chậm chân, ta vẫn có cơ may tạo ra những sản phẩm đô thị đặc sắc của mình. Đô thị yên bình.

GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét